Một chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THA) một quận ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) đang phải đau đầu khi bị đương sự khủng bố về tinh thần kéo dài cả năm nay.
Bị dọa giết, chấp hành viên bị stress
Vị chi cục trưởng này kể bà B. là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong một vụ ly hôn (bà B. mua căn nhà của vợ chồng này). Khi căn nhà bị phong tỏa không cho thay đổi hiện trạng ban đầu, bà B. đã tự nguyện nộp 50 triệu đồng án phí thay người chồng để được giải tỏa việc ngăn chặn.
Một tuần sau, bà B. lên đòi lại gần 50 triệu đồng án phí đã đóng trước đó. Theo Chi cục THA, án phí đã nộp ngân sách nhà nước nên việc bà B. đòi lại tiền là không có cơ sở. Đòi không được, bà B. bèn… dán đầy giấy trong phòng chi cục trưởng với nội dung vị này và chấp hành viên giải quyết vụ việc không xứng đáng là chi cục trưởng, không xứng đáng là chấp hành viên…
Nhiều lần bà B. đến cơ quan THA lớn tiếng chửi bới, trong đó hai lần bà bị công an phường lập biên bản. Bà B. bèn quay qua dùng rất nhiều số SIM rác gọi điện thoại, nhắn tin cho chi cục trưởng bất kể ngày đêm. “Có khuya bà ấy gọi điện thoại rồi nhắn tin chửi bới. Bà xã tôi nghi ngờ tôi có người khác nên lấy điện thoại của tôi nghe. Bà B. nói với vợ tôi rằng tôi ngủ với bà ấy có con rồi bỏ rơi. Do chưa hiểu, vợ tôi buồn bã. Sau này bà B. nhắn tin chửi luôn cả vợ tôi, khi đó vợ tôi mới tin tôi nói. Bị khủng bố nhưng tôi không thể khóa máy, sợ đêm hôm lỡ con cái của tôi có chuyện gì thì sao. Cứ thế tôi phải chịu trận cả năm nay. Mệt mỏi vô cùng!” - vị này bức xúc.
Chị H. (chấp hành viên) cũng bị bà B. hành hạ: “Tôi bị stress mấy tháng trời. Sợ kinh khủng luôn. Bà ấy nhắn tin: “Tôi đã tìm ra nhà bà rồi, nếu bà không trả cho tôi, tết tôi sẽ kéo cả nhà đến đòi tiền”, rồi thì “tao chém chết mày, tao giết cả nhà mày”. Tôi lo cho các con mình lắm. Lắm hôm rạng sáng bà ấy nhắn tin làm tôi run hết cả người. Chưa hết, bà B. còn nhắn tin đe dọa cả ông xã tôi”.
Khi đương sự tự nguyện THA, chấp hành viên cảm thấy nhẹ cả người. (Ảnh do Chi cục THA quận Bình Tân cung cấp)
Không biết làm sao, chi cục trưởng và chấp hành viên phải yêu cầu cơ quan công an can thiệp nhưng phía công an cho biết do bà B. dùng các số SIM rác để gọi điện thoại, nhắn tin nên khó có cơ sở xử lý. Dù vậy, thấy con quậy quá, cha mẹ bà B. nay đều đã ngoài 70 tuổi vẫn tự động đích thân đến tận trụ sở cơ quan THA xin lỗi và mong hai cán bộ này thông cảm, bỏ qua.
Đem xăng đi khiếu nại
Một đương sự khác, bà H. là người phải THA trong một vụ mà Chi cục THA quận Tân Phú (TP.HCM) thụ lý, giải quyết. Bà H. không chịu THA, khiếu nại lên Tổng cục THA và cơ quan này đã có văn bản trả lời rằng việc bà khiếu nại là không có cơ sở. Khi Chi cục THA quận Tân Phú mời bà đến làm việc, bà đập bể kiếng mặt bàn của chấp hành viên, bị công an lập biên bản vi phạm.
Chưa hết, bà H. còn mang cả xăng đến ngồi trước cửa phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cục THA TP.HCM. Ông Trần Văn Nhàn, Trưởng phòng này, kể: “Có những bữa bà ấy chẳng nói gì cả, chỉ đến ngồi chờ hết giờ làm việc rồi ra về. Một hôm bà xách theo bên mình một chai xăng rồi ngồi ngay cửa hành lang. Mùi xăng bốc ra ngột ngạt, chúng tôi cũng sợ, phải gọi công an đến. Cuối cùng bà H. bị xử phạt hành chính”.
Nhiều chấp hành viên ở Cục THA TP.HCM cảm thấy sợ khi nhắc tới bà Đ. - một người hay đại diện cho các đương sự. Không chỉ ở cơ quan THA mà cả ở tòa và VKS, tới cơ quan nào bà Đ. cũng “chấn chỉnh” cán bộ là cố tình cản trở, gây khó khăn cho bà. “Bà ấy nói nhiều lắm mà toàn những chuyện không đầu không đuôi. Có những hôm bà ấy đến ngồi bắt tụi tôi phải nghe mấy tiếng đồng hồ, dù đã quá giờ nghỉ trưa rồi, ai cũng đói và mệt. Bà ấy rất hay bắt bẻ tụi tôi những chuyện lặt vặt như nói tụi tôi bủn xỉn vì không cho bà ấy mượn máy phôtô tài liệu…” - một chấp hành viên kể.
Một chấp hành viên khác kể bà Đ. đến cơ quan THA với tư cách là người đại diện, trong khi giấy ủy quyền của bà không còn thời hạn hoặc không đúng với vụ việc mà cơ quan THA đang giải quyết nhưng bị từ chối là bà bám riết chấp hành viên: “Nhiều đồng nghiệp mách bà Đ. có dấu hiệu bị bệnh thần kinh. Tôi phải hù sẽ quay lại toàn bộ hành vi của bà ấy để làm bằng chứng đưa đi giám định tâm thần, đến lúc đó bà ấy mới thôi quấy rầy”.
Dọa cho chấp hành viên “về vườn”
Chi cục trưởng THA quận Bình Tân (TP.HCM) Phạm Ngọc Thanh cho biết ông từng bị một đương sự đe dọa “cho về vườn”. Khi ấy ông được phân công giải quyết một vụ đòi lại nhà. Người được THA đã già, bà gửi đơn THA yêu cầu người con nuôi phải dọn ra ngoài, trả lại nhà cho bà theo bản án tòa tuyên.
Quá trình THA, ông Thanh đã nhiều lần mời ông D. (người con nuôi) đến làm việc. Ông D. chỉ đến duy nhất có một lần nói: “Tôi không dọn, các người muốn làm gì thì làm” rồi bỏ về. Sau đó ông D. nhắn tin cho ông Thanh: “Này ông Thanh, ông làm quan thì lo làm quan đi, nếu không tôi cho ông về vườn đấy!”.
“Thấy ông ấy dữ dằn thế, những lần xuống nơi ông ấy ở, tôi không dám đi một mình mà phải có người khác đi cùng. Ông D. không hợp tác, tôi vận động và người mẹ đã đồng ý hỗ trợ tiền cho ông D. dọn đến ở nơi khác”. Cũng may, cuối cùng ông D. cũng “thông”, khi đoàn cưỡng chế đến thì tự nguyện nhờ đoàn chuyển giùm đồ đạc qua chỗ ở mới. “Chúng tôi về là ăn mừng luôn đó. Nhẹ cả người!” - ông Thanh nói.
Chủ yếu vẫn là vận động, thuyết phục Cơ quan THA được hỗ trợ roi điện nhưng chúng tôi hầu như không sử dụng dù đương sự có chống đối hay quậy phá vì đây là vấn đề nhạy cảm. Chủ yếu là chúng tôi cố gắng vận động, thuyết phục họ. Khổ một nỗi là công an nói đương sự nghe nhưng chấp hành viên nói thì họ lại bỏ ngoài tai. Đương sự nhiều khi chẳng cần biết luật pháp quy định ra sao mà chỉ muốn giải quyết theo ý họ. Thật tình chúng tôi không muốn việc gì cũng phải nhờ tới công an để thêm căng thẳng mà vẫn cố vận động, thuyết phục, khơi gợi ý thức về lẽ phải, lẽ công bằng hoặc tìm cách để mỗi bên nhường nhau một chút. Chẳng có trường lớp nào dạy ta cách ứng xử, giao tiếp với đương sự mà tự mỗi chấp hành viên phải đúc kết kinh nghiệm từ chính mình mà thôi. Ông PHẠM NGỌC THANH, Chi cục trưởng Chi cục THA |