Cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka kéo dài đã nhiều tháng và khiến người dân nước này rơi vào cảnh khốn cùng, thiếu thốn thức ăn, thuốc men và nhiên liệu. Thất vọng với sự quản lý của chính phủ, người dân liên tục biểu tình, yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe từ chức.
Vì đâu Sri Lanka khủng hoảng tới mức này?
Có thể nói khủng hoảng ở Sri Lanka là hậu quả của một loạt nguyên nhân nghiêm trọng, mà trên hết là vì năng lực quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ, hãng tin Reuters dẫn ý kiến của nhiều nhà phân tích.
Tham nhũng chính trị không chỉ là một vấn nạn góp phần làm hao hụt nguồn tiền chính phủ mà còn khiến các nỗ lực giải cứu nền kinh tế Sri Lanka gặp không ít khó khăn, theo trang DNA Web Team.
Cụ thể, chính phủ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã chi tiêu nhiều hơn mức thu vào của quốc gia, làm suy yếu nguồn tài chính công của Sri Lanka. Tình hình trầm trọng hơn khi Tổng thống Rajapaksa ban hành các đợt cắt giảm thuế sâu ngay sau khi nhậm chức vào năm 2019, rồi vài tháng sau đó là sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Các ngành sản xuất và dịch vụ bị co hẹp nghiêm trọng. Các yếu tố này khiến Sri Lanka mất một lượng lớn doanh thu.
Năm 2020, bắt đầu xuất hiện lo ngại Sri Lanka không thể trả được nợ nước ngoài. Với khoản nợ nước ngoài 51 tỉ USD, Sri Lanka thậm chí còn không thể trả nổi tiền lãi chứ đừng nói đến khoản tiền đã vay. Do lo ngại Sri Lanka không thể trả các khoản nợ nước ngoài lớn, từ năm 2020, các tổ chức thẩm định tài chính quốc tế đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Sri Lanka. Điều này làm cho Sri Lanka không thể tiếp cận được các cơ chế tài chính quốc tế.
|
Người biểu tình tập trung bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 13-7. Ảnh: REUTERS |
Lúc này, chính phủ buộc phải dùng đến nguồn ngoại tệ dự trữ để nhập khẩu hàng hóa khiến nguồn tiền này sụt giảm hơn 70% chỉ trong hai năm. Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết hiện dự trữ ngoại tệ của nước này chỉ còn chừng 25 triệu USD.
Hậu quả, Sri Lanka đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong bảy thập niên, theo đài CNN. Vì cạn tiền, Sri Lanka không thể nhập khẩu thêm các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu. Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho biết lạm phát trong nước đã lên tới mức 54,6% vào tháng trước (so với cùng kỳ năm ngoái) và có thể tăng lên 70% trong những tháng tới.
Đối với người dân Sri Lanka, cuộc khủng hoảng đã biến cuộc sống hằng ngày của họ thành một chuỗi ngày mòn mỏi xếp hàng chờ mua các mặt hàng cơ bản. Tại một số TP lớn, bao gồm cả thủ đô Colombo, nhiều người tiếp tục xếp hàng mua thực phẩm và thuốc men trong tuyệt vọng. Vốn từng là một mặt hàng chủ lực ở quốc gia Nam Á, gạo hầu như đã biến mất khỏi các kệ hàng trên khắp đất nước. Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết có đến 9/10 hộ gia đình ở Sri Lanka đang phải bỏ bữa hoặc ăn uống kham khổ, thiếu thốn.
Chính phủ đã làm gì? Quốc tế hỗ trợ ra sao?
Trước tình hình ngày càng đáng ngại, các chuyên gia tài chính, các lãnh đạo phe đối lập thúc giục chính phủ hành động nhưng chính quyền ông Rajapaksa vẫn nuôi hy vọng ngành du lịch và lượng kiều hối sẽ phục hồi sau đại dịch, giúp vực dậy kinh tế của đất nước.
Chỉ khi cuộc khủng hoảng “trở nặng”, chính quyền ông Rajapaksa mới bắt đầu có những động thái đầu tiên, với việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia, gồm Ấn Độ và Trung Quốc - những siêu cường trong khu vực vốn luôn tranh giành ảnh hưởng đối với Sri Lanka.
Tính tới lúc này, Ấn Độ đã cho Sri Lanka 3,5 tỉ USD. Trung Quốc thì hỗ trợ Sri Lanka tái cơ cấu nợ. Ông Rajapaksa đã yêu cầu Trung Quốc tái cơ cấu khoản nợ 3,5 tỉ USD mà Colombo đã vay từ Bắc Kinh. Đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện tái cơ cấu nợ 1,5 tỉ USD với Sri Lanka.
Các nước khác như Mỹ, Nhật và Úc cũng đã hỗ trợ Sri Lanka vài trăm triệu USD. Để giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu trong nước, chính phủ Sri Lanka còn cho người qua Nga đàm phán được mua dầu giá rẻ. Trước đó, vào tháng 6, LHQ đã kêu gọi thế giới chung tay hỗ trợ Sri Lanka. Tuy nhiên, nguồn tài trợ đến Sri Lanka dường như khá nhỏ giọt, so với con số 6 tỉ USD ước tính mà nước này cần để duy trì hoạt động trong sáu tháng tới.
Sri Lanka hiện trong quá trình đàm phán vay với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ông Wickremesinghe cho biết dự kiến sẽ có một thỏa thuận sơ bộ giữa chính phủ Sri Lanka và IMF vào cuối mùa hè này.•
Tổng thống lánh ra nước ngoài,
dân dồn tức giận vào thủ tướng
Sự thất vọng và tức giận của người dân bùng phát từ ngày 31-3. Họ đổ ra đường biểu tình, ném gạch và phóng hỏa bên ngoài dinh tổng thống ở Colombo, theo CNN. Cảnh sát phải dùng đến nhiều biện pháp trấn áp nhưng không dẹp yên được.
Đến ngày 1-4, Tổng thống Rajapaksa ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, cho phép nhà chức trách bắt giữ người dân không cần lệnh, đồng thời chặn các nền tảng mạng xã hội. Song làn sóng biểu tình vẫn tiếp diễn.
Ngày 9-7, hàng trăm người biểu tình tràn vào dinh tổng thống và dinh thủ tướng, yêu cầu hai lãnh đạo từ chức. Hai địa điểm đều bị đập phá nghiêm trọng.
Ngày 13-7, Tổng thống Rajapaksa đã bay sang Maldives để lánh nạn, một ngày trước lịch từ chức chính thức mà ông đã hứa trước đó. Lý do theo các nhà quan sát là nhằm tránh nguy cơ bị bắt giữ, do một khi ông từ chức tổng thống đồng nghĩa mất quyền miễn trừ an ninh và có thể bị bắt, bị truy tố các cáo buộc trước đó.
Vài giờ sau đó, Văn phòng thủ tướng Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Quốc hội bổ nhiệm Thủ tướng Wickremesinghe làm tổng thống tạm quyền. Tuy nhiên, theo hãng tin AFP thì người dân vẫn không chấp thuận, đã xông vào văn phòng thủ tướng tiếp tục kêu gọi ông từ chức.