Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chỉ là "một cuộc cãi vã nhỏ", và ông tin nền kinh tế Mỹ rất mạnh mẽ. Mức thuế áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc không phải là lực cản đối với người tiêu dùng Mỹ, mà là để Mỹ có một vị thế thương lượng tốt hơn trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Cách giải thích này có thể hợp lý nếu Trung Quốc là quốc gia duy nhất mà ông Trump đang gây chiến. Nhưng thế giới có nhiều hơn hai quốc gia.
Khi mà Trung Quốc đã tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, Mexico cũng đang chuẩn bị trả đũa mức thuế quan của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được cho là cũng đang cân nhắc.
.
Động thái của ông khiến các công ty thời trang Mỹ "hoảng loạn". Nông dân, những người bị tổn hại bởi cuộc chiến thương mại, đang đợi một khoản viện trợ nhiều tỉ USD từ người nộp thuế, còn các nhà sản xuất ô tô đang hồi hộp chờ mức thuế mới. Ngay cả giá cà chua trên thị trường Mỹ cũng tăng vọt.
Đánh thuế các nước khác
Trong thế giới quan của ông Trump, ông đang đấu tranh cho công lý, khi mà nước Mỹ đang bị xem là “con heo đất” để các quốc gia khác bòn rút, và rằng tất cả những người tiền nhiệm của ông đã làm sai. Ông cũng khá tự hào về mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp như thế nào trong nhiệm kỳ của mình.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể có nền kinh tế lớn nhất mà chúng ta từng có", ông phát biểu hôm 14-5.
Điều đó có nghĩa là, nếu bạn không đối xử công bằng với nước Mỹ, bạn "sẽ bị đánh thuế".
Đối với Trung Quốc, đương kim Tổng thống Mỹ đã tăng mức thuế từ 10% lên 25%.
Ba đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ là Mexico, Canada và Trung Quốc, chiếm 43% tổng giá trị thương mại. Và ông Trump đã đánh thuế cả ba nước này, nhưng ông vẫn chưa đạt được bất kì thỏa thuận thương mại mới nào với họ.
Chủ nhân Nhà Trắng đã "đánh" Trung Quốc bằng thuế quan vào năm ngoái và đe dọa tăng thêm thuế nếu không thể đạt được thỏa thuận vào tháng 3. Ông cũng đang còn những chương trình thuế khác cần phải xem xét với EU và Mexico.
"Có những tín hiệu cho thấy vấn đề thuế quan có thể được gia hạn – do ảnh hưởng từ các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc", Ủy viên Thương mại châu Âu, bà Cecilia Malmstroem nói.
Thuế đánh vào ô tô cũng sẽ gây ra vấn đề cho Mexico, nơi các nhà sản xuất ô tô Mỹ mở nhà máy. Mexico cũng sản xuất phần lớn cà chua được tiêu thụ ở Mỹ, và thuế đánh vào mặt hàng này sẽ làm tăng chi phí sản xuất tại thị trường Mỹ.
Những biện pháp “phi thuế quan”
Ở thời điểm hiện tại, các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang bị đình trệ, thị trường bị đảo lộn, nông dân và nhà bán lẻ Mỹ thì "hoảng loạn tột độ".
"Không hề gì", Tổng thống Mỹ nói trên Twitter hôm 12-5.
"Chúng ta đang hành xử đúng với Trung Quốc. Hãy nhớ rằng, họ đã phá vỡ thỏa thuận với chúng ta và cố gắng đàm phán lại. Chúng ta sẽ nhận hàng chục tỷ đô la tiền thuế từ Trung Quốc. Doanh nghiệp có thể tự sản xuất sản phẩm tại Mỹ hoặc nhập từ các quốc gia không chịu thuế quan ..."
Tổng thống Trump đặc biệt đề cập Việt Nam như một đối tác thương mại tiềm năng.
Công nhân quay sợi tại Deutsche BekleidungsWerke’, công ty may mặc được gắn máy lạnh toàn bộ tại Việt Nam. Ảnh: SCMP
Nhưng điều quan trọng hơn là các thỏa thuận thương mại song phương và một chính sách đối ngoại cứng rắn của ông được cho là sẽ đưa các doanh nghiệp Mỹ đang đặt ở châu Á trở về.
Nếu Tổng thống Mỹ thành công với các thỏa thuận thương mại mới và riêng biệt dành cho Trung Quốc, EU và Bắc Mỹ, đây sẽ là một chiến thắng của thuế quan trong thương mại và tạo ra một thực tế mới trên thế giới.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump xoay quanh việc đưa ra các lời đe dọa, yêu cầu nhượng bộ và áp thuế lên những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Những gì ông thực sự đạt được cho đến giờ là một thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, nơi luôn bị ám ảnh bởi vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Việc không được lòng Quốc hội có thể khiến Tổng thống gặp khó khăn trong kế hoạch hỗ trợ hàng tỉ USD cho nông dân Mỹ, đối tượng bị tổn thương vì cuộc chiến thuế quan của ông.
Hành động đầu tiên khi Tổng thống nhậm chức là chính thức kết liễu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại có sự tham gia của 11 quốc gia được khởi xướng bởi chính quyền của Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama, nhằm tạo ra một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Các quốc gia khác đã tiếp tục hiệp định này mà không có nước Mỹ.
Khi rút khỏi TPP, Tổng thống Trump đã hứa sẽ tìm kiếm các thỏa thuận thương mại song phương, nhưng chính ông lại đang làm mọi chuyện khó khăn hơn vì thuế quan, theo CNN.