Chi trăm ngàn đô la để phẫu thuật thẩm mỹ
Hoa hậu Colombia được xem là cuộc thi quốc gia duy nhất ở Nam Mỹ không khuyến khích thích sinh đã trải qua giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) tham dự và yêu cầu bắt buộc các cô gái phải có kinh nghiệm người mẫu ít nhất một năm trở lên.
Tuy nhiên điều này vẫn chưa giúp cho Colombia đọ lại những đối thủ đáng gờm trong khu vực như Venezuela, Brazil, Puerto Rico hay Mexico vì ở những nước này, GPTM đối với những hoa hậu trước khi đi thi quốc tế gần như là bắt buộc.
Họ chủ yếu sửa mũi, đặt túi ngực, hút mỡ toàn thân, chỉnh răng thậm chí là khâu nhỏ bao tử để giảm cân và cắt bỏ xương sườn để đạt được thân hình đồng hồ cát lý tưởng. Chi phí để cho ra lò một búp bê bằng da bằng thịt "Made in Venezuela" đôi khi có giá cả trăm nghìn USD.
HHHV 2008 - Dayana Mendoza (Venezuela). |
Trong khi đó Châu Âu lại chuộng vẻ đẹp tự nhiên hơn. Nổi tiếng và chuyên nghiệp nhất chính là cuộc thi Hoa hậu Pháp. Ở cuộc thi này, chiều cao tối thiểu của các thí sinh là 170cm. Họ không được thẩm mỹ, chỉnh răng hay nối tóc, không được lập gia đình và có con trong 5 năm nếu thắng giải, không chụp hình khiêu gợi, phản cảm...
Hoa hậu Pháp cũng có nhiều người bị tước hoặc bị treo vương miện nhất sau khi đăng quang (tổng cộng 11 người) chưa kể những thí sinh đại diện cấp tỉnh thành đang tham dự vòng chung kết toàn quốc vẫn bị đuổi về nếu vì bị tố cáo có đầy đủ bằng chứng.
Còn ở châu Á rất nhiều cuộc thi nào là không dính đến GPTM. Nếu Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc rất ưa chuộng các phương pháp nâng sống mũi, cắt mắt hai mí, độn cằm hay gọt cằm V-line để bớt đi nét Á Đông. Các thí sinh Thái Lan thì GPTM toàn diện để có những đường nét châu Âu thực thụ. Cường quốc hoa hậu Philippines thì muốn thí sinh của mình trông giống với khuôn mẫu sắc đẹp Mỹ Latin (miệng rộng, răng đều, môi cong, mắt sâu, làn da rám nắng, và mái tóc gợn sóng bồng bềnh).
Người đẹp Việt 'im thim thít và lặn mắt tăm'
Điều quan trọng đầu tiên trong quan niệm về cái đẹp của phụ nữ của người Việt Nam, đó là phải "thuần Việt". Vậy thế nào mới là "thuần Việt"? Những từ hay dùng để diễn tả về khuôn mẫu một phụ nữ đẹp theo kiểu Việt Nam truyền thống là hiền lành, phúc hậu, dễ thương, bụ bẫm, da trắng nõn nà như em bé...
Tiêu biểu đó là gương mặt của Nguyễn Thị Huyền, Lưu Bảo Anh, Nguyễn Ngọc Kiều Khanh, Dương Trương Thiên Lý, Đỗ Hoàng Anh hay Teressa Sam. Có người trong số họ khi đi thi thế giới đều không lọt sâu, nằm ngoài các bảng xếp hạng của các chuyên trang sắc đẹp cũng như không có thành tích gì đáng kể (trừ trường hợp vào bán kết nhờ bình chọn của khán giả nhà).
Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền. |
Ngoài vẻ đẹp ngoại hình, công chúng cũng đòi hỏi về vẻ đẹp tri thức khi "săm soi" khá kỹ xem cô này học trường gì, có phải học sinh trường chuyên không? Đang là sinh viên đại học công lập có tiếng hay dân lập tai tiếng? Bảng điểm với học bạ từ thời tiểu học đến phổ thông thế nào? Thành thạo bao nhiêu ngoại ngữ? Phát âm có chuẩn không?...
Nên nhớ cựu HHHV 2008 - Dayana Mendoza (Venezuela) đã bỏ học từ năm 15 tuổi để theo đuổi con đường trở thành người mẫu chuyên nghiệp. Còn 2 cựu HHTG là Taťána Kuchařová (CH Séc - 2006), Alexandria Mills (Mỹ - 2010) đều đăng quang khi đang còn học phổ thông và phải tạm dừng việc học để hoàn thành nhiệm vụ của HHTG rồi tiếp tục hoàn thành việc học sau khi đã hết nhiệm kỳ.
Nhiều cô hoa hậu Venezuela không nói rành tiếng Anh nhưng vẫn đoạt vương miện đều đều vì giám khảo chấm không chỉ dựa vào nội dung-ý nghĩa câu trả lời (đôi khi chỉ chiếm chưa đến 30% tổng số điểm) mà còn quan trọng hơn ở cách nói, cách diễn đạt có trôi chảy hay không, thần thái (nụ cười, ánh mắt) và sự tự tin khi trả lời, đặc biệt là ngôn ngữ cơ thể (chiếm đến 70% số điểm). Các cuộc thi nước ngoài hỏi những câu rất đời thực, gần gũi, mang tính thời sự hơn là cách hỏi mang tính hàn lâm, xa rời thực tế như nhiều cuộc thi ở Việt Nam.
Người đẹp Huỳnh Bích Phương. |
Và một hoa hậu theo tiêu chuẩn Việt Nam cần phải có đó là đạo đức. Đạo đức ở đây ý chỉ xuất thân gia đình có gia giáo, con nhà có danh chức, giáo dục kỹ lưỡng từ bé và được thể hiện qua lời ăn tiếng nói phải nhỏ nhẹ, cử chỉ dịu dàng, dáng đi khoan thai, lúc nào cũng phải tỏ vẻ e thẹn... không sống thử trước khi kết hôn.
Và nếu như ở những cuộc thi các nước, họ chọn ra những cô gái nổi bật nhất, tự tin nhất và có kinh nghiệm sàn diễn thì Việt Nam ngược lại. Người đẹp nào càng sáng, càng nổi thì chiếc vương miện ngày càng xa rời. Thay vì là nơi chọn lọc ra những thí sinh xuất sắc nhất để "đem chuông đi đánh xứ người" thì những cuộc thi ở nước ta lại là nơi làm tổn thất nguồn tài nguyên nhan sắc nhất (trường hợp của Trần Thị Thu Hằng, Huỳnh Bích Phương, Ninh Hoàng Ngân, Phạm Thị Hương, H'Ăng Niê,...).
Người đẹp H'Ăng Niê. |
Có một thực tế khá tréo ngoe là nhiều hoa hậu, á hậu thì tìm cách từ chối đi thi quốc tế còn những người đẹp khác có đủ nhan sắc, kỹ năng, kinh nghiệm thì lại không được phép vì không đoạt danh hiệu trong nước.
Bài 2: Bí ẩn người người đẹp Việt đầu tiên đi thi quốc tếTheo Donald Nguyễn (Vietnamnet)