Chi 1 tỉ đi thi hoa hậu
Nhiều người thường hay cho rằng đi thi các cuộc thi hoa hậu tầm cỡ là để đánh bóng tên tuổi, làm bệ phóng để tiến thân vào những lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. Điều này có thể hoàn toàn đúng với những cuộc thi 'ao làng', tai tiếng và nhơ bẩn của những 'ông bầu' Việt kiều hải ngoại hoặc của các đơn vị trong nước.
Một cuộc thi hoa hậu bảo vệ môi trường có trụ sở ở Philippines, có chất lượng trung bình 3 sao với phí bản quyền chung cho tất cả là 2.000USD (khoảng trên 42 triệu đồng) cho mỗi quốc gia nhưng đơn vị này ở Việt Nam lại "hét giá" lên đến 1 tỉ đồng (khoảng 50.000 USD).
Chi phí này cũng tương đương để có thể mua được chiếc vương miện hoa hậu từ những cuộc thi dành cho người Việt tự gắn mác "quốc tế" cho sang chảnh nhưng thực chất chỉ là một cuộc mua bán đổi chác giữa những hotgirl được đại gia chống lưng hay những quý bà thừa tiền lắm của, thích đua đòi.
Không ít hoa hậu/á hậu đại diện Việt Nam đi thi Hoa hậu Hoàn Vũ đều nổi tiếng trước lẫn sau cuộc thi, vẫn còn được truyền thông nhắc tới, dù tất cả họ không đạt thành tích gì đáng kể như: Hoàng Khánh Ngọc (2004), Nguyễn Thùy Lâm (2008), Võ Hoàng Yến (2009), Vũ Thị Hoàng My (2011), Lưu Thị Diễm Hương (2012) và Trương Thị May (2013).Hoàng Khánh Ngọc. |
Tương tự, các người đẹp từng tham dự Hoa hậu Quốc Tế (Miss International) hay Hoa hậu Trái Đất (Miss Earth) cũng ít nhiều hoạt động nghệ thuật thêm vài năm, là những cái tên được báo chí săn đón như: Bùi Thúy Hạnh, Vũ Nguyễn Hà Anh, Trương Tri Trúc Diễm, Nguyễn Ngân Hà, Phan Thị Mơ, Cao Thùy Dương, Trần Thị Quỳnh, Đào Thu Hoài.
Ngay đến các người đẹp từng tham gia Hoa hậu Nữ hoàng Du lịch Quốc tế (Miss Tourism Queen International) như Chung Thục Quyên (2008), Nguyễn Thái Hà (2009), hay Lê Huỳnh Thúy Ngân (2011) cũng gặt hái được thành công nhất định trong nước ở lĩnh vực thời trang hoặc điện ảnh.
Thái Hà. |
Các hoa hậu 'rút êm' khỏi showbiz
Đối với Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Thế Giới (Miss World) luôn có một vị trí đặc biệt và quan trọng nhất vì đây là cuộc thi nhan sắc có uy tín lâu năm và cũng là cuộc thi mà thí sinh nước ta có nhiều thành công nhất.
Tuy nhiên không phải người đẹp nào đi thi về cũng làm một cuộc càn quét dữ dội vào lĩnh vực showbiz, trừ trường hợp của Mai Phương Thúy (2006). Còn như Phạm Thị Mai Phương (2002) và Nguyễn Thị Huyền (2004) thì người ta lại nhớ các cô qua danh hiệu Hoa hậu Việt Nam hơn là thành tích mà họ đạt được tại đấu trường thế giới, thông qua việc khán giả nhà bình chọn vào vòng bán kết chính thức. Cả 2 cựu hoa hậu đều tiếp tục sự nghiệp học tập và lập gia đình, sống những tháng ngày êm đềm và bình dị.
Mai Phương Thúy. |
Hoa khôi Hải Dương - Trần Thị Hương Giang là người có thành tích được xem là đáng nể nhất trong lịch sử tại đấu trường quốc tế mà Việt Nam từng tham dự. Sau thành công vang dội tại Hoa hậu Thế Giới 2009, cô lại liên tiếp gặt hái thêm rất nhiều giải thưởng bình chọn trong cũng như ngoài nước, tên tuổi của cô vụt sáng lên hàng những ngôi sao đắt giá nhất trong làng người mẫu-giải trí.
Nhiều người còn hy vọng Hương Giang sẽ tiếp tục đại diện Việt Nam tham dự Hoa hậu Hoàn Vũ 2010. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm sau đó, khi vẫn còn đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp Hương Giang bất ngờ lấy chồng và an phận với thiên chức làm vợ, làm mẹ và rất hiếm khi xuất hiện ở các sự kiện. Tương tự còn có á hậu Dương Trương Thiên Lý (2008) cũng nhanh chóng lập gia đình để sống an thân.
Các á hậu của Hoa hậu Thế Giới người Việt hay Hoa hậu Việt Nam từng tham dự Hoa hậu Thế Giới như: Nguyễn Ngọc Kiều Khanh (2010), Victoria Phạm Thúy Vy (2011)... đều nhanh chóng rời bỏ showbiz.
Nhiều hoa hậu, á hậu khác từ những cuộc thi chất lượng kém hơn từng đến với đấu trường sắc đẹp lớn nhất hành tinh này không thu hút được sự quan tâm của công chúng vì gương mặt quá nhạt nhòa, kỹ năng yếu kém cũng như không có bất kỳ hoạt động nhân đạo-xã hội nào nổi bật.
Theo Donald Nguyễn (Vietnamnet)