Ngày 17-6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt vừa được Chính phủ ban hành ngày 26-5.
Theo ban soạn thảo, nếu như Nghị định 171 quy định cứng nhắc về một số hành vi xử phạt, như hành vi “không tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc, quay đầu xe lùi xe trên đường cao tốc” ngoài việc xử phạt hành chính sẽ bị tước giấy phép lái xe một tháng. Tuy nhiên, Nghị định 46 lại quy định khung xử phạt, tức sẽ tước giấy phép lái xe từ một đến ba tháng.
Một đại biểu cho rằng Nghị định 46 còn nhiều khe hở, như việc quy định khung hình phạt đối với các hành vi vi phạm dễ tạo cơ hội cho hành vi tham nhũng và bức xúc cho người vi phạm: “Như Nghị định 171 quy định nếu anh vi phạm thì ngoài xử phạt ra anh bị tước giấy phép lái xe một tháng và không có chữ “từ” một đến hai. Vì vậy, tôi nghĩ việc sửa lại theo khung sẽ tạo khe hở cho người thực thi pháp luật tham nhũng…”, đại biểu này nhận định.
Nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1-8, nhưng nhiều người vẫn lo lắng vì việc quy định xử phạt theo khung. Ảnh: Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra các xe khách. Ảnh: VIẾT LONG
Cũng theo đại biểu này, luật cần quy định rõ nếu vi phạm hành vi nào thì phải xử phạt tương đương với hành vi đó, không xử phạt tiền theo khung như hiện nay. Tức là mức xử phạt phải cụ thể: “Tôi ví dụ, như việc hành vi chở hàng quá tải qua cầu, đường vượt trên 150%, xử phạt chủ phương tiện từ 28 đến 32 triệu đồng. Trong khi chở vượt quy định hay vượt đèn đỏ thì ai vượt đèn đỏ đều như nhau… tại sao lại có chữ “từ” trong đó. Việc quy định khung hình phạt như trên có nghĩa là anh muốn xử phạt 28 triệu cũng được và 32 triệu cũng xong. Có nghĩa là anh “đối đãi” với tôi tốt thì xử anh thấp, còn không cứ mức trần mà xử. Vậy có phải là pháp luật đang tạo khe hở cho tham nhũng…” - vị này đặt câu hỏi.
Trả lờiPháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Thế Tùng, thành viên ban soạn thảo Nghị định 46, Phó Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông, Bộ GTVT, cho biết việc quy định khung xử phạt tiền hay tước giấy phép lái xe này thể hiện tính nhân văn của pháp luật: “Việc anh vi phạm vượt đèn đỏ hay đi vào đường cao tốc mới là hành vi. Theo đó, người thực thi pháp luật sẽ căn cứ vào khung, nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì phạt ở mức thấp nhất, có tình tiết tăng nặng phạt ở trần khung và nếu không có hai điều kiện trên thì phạt ở mức giữa khung.
Ví dụ, như anh vi phạm đi vào đường cao tốc, nếu là phụ nữ đang mang thai sẽ có tình tiết giảm nhẹ, còn thanh niên thì mức phạt sẽ cao hơn…”.
Quy định khung như vậy có tạo khe hở cho người thực thi công vụ “vòi vĩnh”? Tôi hỏi. Ông Tùng khẳng định quy định khung không tạo ra khe hở, nó bảo đảm đúng tính chất của hành vi vi phạm: “Như chúng ta biết, án tại hồ sơ, vì vậy trong hồ sơ xử phạt họ phải có các chứng cứ đi theo. Vì vậy, tôi cho rằng các cơ quan thực thi nhiệm vụ không thể xử phạt tùy tiện theo cách họ muốn...” - ông Tùng nói.