Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8 và thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014. Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, có lưu ý một số điểm khi nghị định này có hiệu lực.
Phạt nhiều hành vi mới
. Phóng viên: Thưa luật sư, Nghị định 46 vừa ban hành có những hành vi nào tăng mức phạt so với Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014?
+ Luật sư Phạm Minh Tâm: Nghị định 46 tăng mức phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy nếu trước đây bị phạt từ 8 triệu đến 10 triệu đồng thì nay lên 16-18 triệu đồng. Người điều khiển ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị phạt đến 18 triệu đồng.
Với quy định tước bằng lái xe, các nghị định trước chỉ quy định tùy theo từng hành vi thì bị giữ giấy phép lái xe tối đa là hai tháng nhưng theo nghị định mới thì sẽ tạm giữ 3-5 tháng.
Với người điều khiển xe máy, nếu lưu thông trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở thì theo quy định mới sẽ tăng gấp đôi với mức phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
Nghị định 171/2013 quy định người điều khiển xe máy chạy quá tốc độ hơn 20 km/giờ thì chỉ phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng còn Nghị định 46 sẽ tăng lên từ 3 triệu đến 4 triệu đồng. Tăng mức xử phạt đối với người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị phạt từ 60.000 đến 80.000 đồng lên 100.000-200.000 đồng.
. Nghị định 46 có những điểm nào mới mà văn bản hiện hành chưa quy định?
+ Trước Nghị định 46, chưa có quy định về thời gian mở đèn của ô tô và xe máy khi lưu thông trên đường. Nghị định 46 quy định rõ thời gian các xe lưu thông trên đường phải bật đèn từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, nếu không thực hiện sẽ bị phạt.
Theo nghị định mới, người điều khiển xe máy vượt quá nồng độ cồn cho phép sẽ bị phạt gấp đôi. Ảnh: HTD
Người lái ô tô dùng chân để điều khiển vô lăng sẽ bị phạt từ 7 đến 8 triệu đồng. Hiện Nghị định 171/2013 chỉ quy định xử phạt đối với hành vi dùng chân điều khiển xe hai bánh với mức phạt từ 5 đến 6 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định 46, hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc va quẹt dẫn đến tai nạn giao thông mà bỏ đi thì dù không có lỗi cũng sẽ bị phạt tiền từ 18 triệu đến 20 triệu đồng.
Không cứu giúp người bị nạn: Phạt!
. Theo nghị định trên, người có hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu thì sẽ bị phạt đến 1 triệu đồng. Vậy mức độ nào bị phạt hành chính và mức độ nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
+ Tại Điều 102 BLHS hiện hành và Điều 132 BLHS 2015 (hiệu lực từ ngày 1-7) có quy định người nào thấy người khác đang gặp nguy hiểm đến tính mạng có điều kiện mà không cứu dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định 46 quy định rõ hơn rằng trong các vụ tai nạn giao thông, nếu không cứu người bị thương nhưng chưa dẫn đến chết người sẽ bị xử phạt hành chính.
. Hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ có được xem là chống người thi hành công vụ không?
+ BLHS có quy định người nào có hành vi dùng vũ lực tấn công, thực hiện cử chỉ đe dọa người đang thi hành công vụ thì mới cấu thành tội phạm. Đối với hành vi chỉ đơn thuần là điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ thì không cấu thành tội hình sự.
. Nếu đang đi trên đường mà buộc phải nghe điện thoại thì phải thực hiện như thế nào để không bị xử phạt?
+ Người dân muốn không bị xử phạt khi nghe điện thoại ngoài đường thì tốt nhất nên tìm một vị trí không cản trở việc lưu thông qua lại của người khác. Có thể dừng trên vỉa hè, trong hẻm, lòng đường vắng,… Tuy nhiên, đối với một số khu vực tại quận 1 trên địa bàn TP.HCM thì có một số điểm không cho phép dừng, đỗ xe quá lâu trên lòng đường và vỉa hè thì người dân cần lưu ý thêm.
. Xin cảm ơn luật sư.
Tăng mức phạt lên năm lần đối với ô tô - Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô thực hiện hành vi vi phạm: Xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (quy định hiện hành chỉ phạt đến 800.000 đồng), tịch thu giấy phép lái xe từ một đến ba tháng (quy định hiện hành: Một tháng). - Tăng mức phạt tiền lên 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (quy định cũ từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng). - Tăng mức phạt tối thiểu từ 4 triệu lên 5 triệu đồng (phạt từ 5 triệu đến 6 triệu đồng) đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ; gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn; - Tăng mức phạt lên gấp năm lần (phạt từ 5 triệu đến 6 triệu đồng) đối với hành vi không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định (quy định hiện hành chỉ xử phạt hành vi này từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng). ĐL |