Khuyến khích người dân phát triển nhà trọ với tiêu chuẩn cao, văn minh hơn

(PLO)- Chính sách hiện hành mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quy mô lớn, theo dự án, mà bỏ trống khu vực nhà trọ do người dân tự phát đầu tư hàng chục năm nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là chủ trương chung của Chính phủ từ lâu nay, và nội dung này được tiếp tục nhấn mạnh trong Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ hồi tháng 1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu COVID-19.

Tuy nhiên, tại hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì về nội dung này, sáng nay 1-8, nhiều ý kiến cho rằng quy định hiện hành đang bỏ trống mảng nhà trọ mà người dân vẫn tự phát hình thành hàng chục năm nay.

Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội. Ảnh: VGP

Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội. Ảnh: VGP

Sức dân mạnh hơn doanh nghiệp

Tập đoàn Him Lam là một doanh nghiệp đầu tư mạnh vào mảng nhà ở xã hội, bao gồm cả sản phẩm nhà cho thuê. Vậy nhưng Chủ tịch Dương Công Minh cho rằng nguồn lực từ người dân mới là lớn nhất, mạnh nhất, hiệu quả nhất.

Dẫn thực tiễn TP.HCM có 700.000 phòng trọ hầu hết do người dân tự đầu tư, xây dựng, ông Minh nói: “Tôi thấy nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chính là ở người dân, chứ còn chỉ doanh nghiệp thì không đủ để đáp ứng nhu cầu".

Chia sẻ với ông Minh là Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội. Ông nhận xét việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội thời gian qua chủ yếu dựa vào người dân làm nhà trọ. Tuy nhiên sự phát triển này lại hoàn toàn tự phát, tiềm ẩn các vấn đề lâu dài về chất lượng sống, cũng như các vấn đề xã hội. Điều này đã bộc lộ khá rõ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam nửa cuối năm ngoái.

Trong đó báo cáo của tỉnh Bình Dương với Thủ tướng hôm nay cho thấy thực trạng ấy: Trên địa bàn tỉnh hiện có 600.000 phòng trọ, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho 1.500.000 người. Tuy nhiên, các khu nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư từ những năm 2000 không bảo đảm vệ sinh, môi trường, rất chật hẹp, chất lượng chưa cao, không hỗ trợ công tác phòng chống cháy, nổ khi có sự cố xảy ra...

Cần định hướng, dẫn dắt từ Chính phủ

Vậy đặt trong chủ trương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, các vấn đề tồn tại của nhà trọ tự phát cần được giải quyết thế nào? Ông Vũ Quang Hội cho rằng chính sách cần thừa nhận mô hình nhà trọ nhưng tiêu chuẩn hóa để người dân đầu tư theo hướng nhà ở hiện đại hơn, quy mô tốt hơn, đời sống tốt hơn.

Lấy ví dụ về chính sách điện mặt trời áp mái mà người dân bắt nhịp rất nhanh, ông Hội góp ý Chính phủ: "Nếu chúng ta nghiên cứu thật nhanh trong vòng 1 tuần để ra được chính sách này, những người dân ở các khu công nghiệp được hưởng chính sách đầu tư, thì trong vòng chỉ 2 năm là giải quyết được cơ bản về nhà ở".

Cũng theo tinh thần ấy, ông Dương Công Minh đề nghị Chính phủ Chính phủ giao Bộ Xây dựng xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà trọ cho công nhân, cùng với đó là cơ chế vốn để giúp người dân phát triển nhà ở cho thuê theo hướng văn minh, hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng: Cần khắc phục khoảng trống pháp lý

Lắng nghe ý kiến từ địa phương, từ doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh đồng tình đánh giá cao vai trò của người dân trong phát triển các khu nhà trọ, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, về phía quản lý nhà nước, ông thừa nhận đang có khoảng trống pháp lý cho loại sản phẩm bất động sản này.

Với tinh thần ấy, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển mô hình nhà trọ trong dân. Quan điểm là cần tiếp tục huy động sự tham gia của người dân trong vấn đề giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường nhưng có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước khi cần thiết để bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường.

TP.HCM xây gấp 70.000 căn nhà cho người thu nhập thấp

Theo báo cáo của UBND TP HCM, giai đoạn 2006-2020, các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn thành phố đã xây cất khoảng 20.000 căn hộ. Chương trình nhà ở xã hội giải đoạn tiếp theo, 2021-2025, đã được phê duyệt với mục tiêu xây dựng 35.000 căn, và 58.000 căn cho giai đoạn 2026-2030. Trong số này, dành 25% cho nhà ở công nhân và nhà cho thuê.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay để đẩy nhanh tiến độ triển khai, chính quyền thành phố đã tập trung giải quyết các nút thắt về quy hoạch và thủ tục. Kết quả, đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ còn 137 ngày với trường hợp đơn giản, 217 ngày với trường hợp phức tạp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm