Kịch múa ‘Hoàng hôn’: Đẹp đến nao lòng

(PLO)-  Đạo diễn kịch múa 'Hoàng hôn' khao khát thay đổi góc nhìn nghệ thuật múa với công chúng khi làm các tác phẩm về đề tài chiến tranh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vở kịch múa đương đại Hoàng hôn do đội ngũ nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM.

Vở diễn gồm 3 phần: Hy vọng, Tình yêu, Ánh mắt hoàng hôn, xoay quanh câu chuyện về những cặp đôi phải tạm chia ly vì chiến tranh khi người nam lên đường ra trận.

Dù đề tài là chiến tranh nhưng Hoàng hôn không tái hiện sự tàn khốc, bạo lực trên chiến trường mà tập trung vào những câu chuyện phía sau, đó là tình yêu, cảm xúc nhớ thương, những sự đau đớn, giày vò do mất mát.

Kịch múa "Hoàng hôn" khắc họa những góc khác của chiến tranh, đó là tình yêu, sự chờ đợi và chung thủy. Ảnh: PHÚC HẢI

Kịch múa "Hoàng hôn" khắc họa những góc khác của chiến tranh, đó là tình yêu, sự chờ đợi và chung thủy. Ảnh: PHÚC HẢI

Trò chuyện với báo Pháp Luật TP.HCM, nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng chia sẻ vở diễn lần này làm theo hướng Dance Theater, bao gồm múa, kịch, thị giác, hát và âm thanh. Nguồn cảm hứng để hai nghệ sĩ anh em Phúc Hùng, Phúc Hải sáng tác vở diễn là từ những câu chuyện thời chiến của bố mẹ - những người từng là bộ đội.

Một nguồn cảm hứng nữa là khát khao muốn thay đổi góc nhìn nghệ thuật múa với công chúng khi làm các tác phẩm về đề tài chiến tranh. Bởi trước nay các tác phẩm về đề tài này thường đặt nặng tính minh họa, tập trung nhiều vào sự tàn khốc trên chiến trường như súng đạn, chết chóc.

Chia sẻ về tựa đề độc đáo ở phần ba của vở diễn - "Ánh mắt hoàng hôn", nghệ sĩ Phúc Hùng nói: "Ánh mắt hoàng hôn là góc nhìn của đạo diễn liên tưởng đến cả mạch diễn của vở. Đối với đạo diễn, hoàng hôn là lúc mọi đợi chờ và hy vọng sẽ và luôn có thể trở thành hiện thực chứ không phải hoàng hôn là dấu chấm hết của mọi sự hy vọng".

Một phân cảnh trong vở kịch múa "Hoàng hôn". Ảnh: PHÚC HẢI

Một phân cảnh trong vở kịch múa "Hoàng hôn". Ảnh: PHÚC HẢI

Đạo diễn trẻ tuổi cũng cho biết trong quá trình sáng tác, dàn dựng vở diễn không gặp nhiều khó khăn vì đội ngũ nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM là tập thể vô cùng gắn kết và giỏi nghề, nhạc sĩ sáng tác thân quen nên phối hợp ăn ý. Cái khó nhất là luôn tự đặt ra cho mình một đích đến là phải làm sao cho tác phẩm thật hay và thật gần gũi đối với người xem.

Trước đó, trên trang Facebook của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM thông báo tặng 100 vé kịch múa cho các học sinh, sinh viên của các trường ở TP.HCM. Cầm tấm vé được tặng trên tay, bạn Thị Thu Trang, sinh viên năm 2 của ĐH Ngân Hàng bày tỏ sự háo hức, vui mừng khi được xem vở diễn.

Vở kịch múa "Hoàng hôn" gây ấn tượng cho nhiều khán giả. Ảnh: PHÚC HẢI

Vở kịch múa "Hoàng hôn" gây ấn tượng cho nhiều khán giả. Ảnh: PHÚC HẢI

Bạn Trang chia sẻ trước vở diễn: “Mình đã xem múa đương đại nhiều lần và mình yêu thích loại hình nghệ thuật này. Mỗi vở diễn kết thúc mang lại cho mình nhiều cảm xúc, bài học và mình cảm được cái đẹp của nó. Mình thấy chủ đề vở diễn này là “Hoàng hôn”, mình tò mò tác giả sẽ diễn giải chủ đề trừu tượng này như thế nào nên đang mong chờ được xem”.

Sau khi kết thúc vở diễn, nhiều người xem cũng đã thể hiện sự yêu mến với vở kịch múa này.

Bà Maria Sapronova, quốc tịch Nga, chia sẻ: “Âm nhạc rất tuyệt vời. Kỹ thuật múa của các nghệ sĩ điêu luyện và biên đạo múa vở kịch này rất tốt. Tôi có thể hiểu câu chuyện chiến tranh và những cảm xúc của những người trong cuộc chiến được kể trong vở múa này thông qua ngôn ngữ cơ thể của các nghệ sĩ”.

Vở kịch múa “Hoàng hôn” do nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng biên kịch và đạo diễn, nhạc sĩ Việt Anh phụ trách phần âm nhạc, nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng, NSƯT. Trần Hoàng Yến, Đặng Minh Hiền, Sùng A Lùng và Đỗ Hoàng Khang Ninh là biên đạo múa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm