Đa số phụ huynh đều ước mơ con mình tài giỏi, nổi trội hơn bạn bè cùng trang lứa. Con giỏi thỏa mãn niềm đam mê, hãnh diện của phụ huynh. Trong tầng lớp trung lưu, thượng lưu với nhau, việc cùng mua được một chiếc xe 4 tỉ đồng, cùng xây được cái nhà 20 tỉ đồng… không bao giờ bằng việc con được huy chương vàng, được thành tích này nọ. Con tui được, con anh không được, chứng tỏ con tui giỏi hơn con anh, suy ra anh dở hơn tui (?).
Bỏ tiền mua mác thiên tài
Nắm bắt tâm lý đó, những lớp học kích hoạt não giữa được mở ra để đáp ứng nhu cầu nhanh chóng biến trẻ thành thiên tài (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 28 và 29-11 đã thông tin). Thông thường họ đưa ra một chương trình rất rối rắm khiến phụ huynh cảm thấy “Ồ! Nó cao siêu quá nên chắc nó… đúng”. Thực sự, có trung tâm nào khi dạy xong cấp giấy bảo hành rằng với một khóa học 10-15 triệu đồng, con quý vị sẽ trở nên kiệt xuất? Anh nói rằng sau khi học xong hai khóa thì trẻ được mở não giữa ra, sẽ trở nên thông minh đột biến, vậy hãy làm một cam kết: “Phụ huynh trả trước 30% số tiền, nếu sau hai khóa học con tôi được cơ quan kiểm định đánh giá chất lượng rằng con tôi xuất chúng thì sẽ trả nốt số tiền còn lại; nếu không thì phải bồi thường hợp đồng”. Có ai dám cam kết không? Người ta sẽ tìm cách phủi tay với hàng ngàn lý do đổ lỗi: Cha mẹ không rèn luyện ở nhà cho con, đứa trẻ không kiên trì…
Chúng ta vẫn thường đánh giá rằng một đứa trẻ thiên tài khi nó đạt điểm cao, nổi trội hơn bạn bè. Thật ra không có ai có thể giỏi hẳn trong mọi lĩnh vực. Gần đây, một bạn gái tham gia chương trình Ai là triệu phú không biết canh cua nấu với rau gì, không biết El Nino là gì nên bị người ta “ném đá” ầm ầm. Rõ ràng trong lĩnh vực đó bạn ấy không biết gì nhưng trong lĩnh vực chuyên môn thì bạn ấy đâu phải dạng vừa đâu!
Cha mẹ cứ mong muốn con mình phải đạt những thành tích chói sáng trong học tập nhưng như vậy không đúng. Đứa trẻ có thể học không giỏi nhưng có thành tích đáng gờm trong bóng đá, âm nhạc… Đừng hiểu thiên tài là phải đạt điểm cao, có thành tích đặc biệt khi giải các bài toán trong nhà trường. Quan điểm của tôi về người giỏi là khi bạn trở thành người có ích cho xã hội trong một lĩnh vực nào đó, chứ không phải là cái gì cũng biết nhưng hóa ra chẳng biết cái gì!
Tôi rất khâm phục những “kỹ sư hai lúa”. Ngày xưa họ thậm chí học hành dở ẹc hoặc dang dở nửa chừng nhưng họ đã tự nghiên cứu, sáng chế ra máy làm cỏ nhanh, máy tách hạt bắp giỏi giúp bà con mình đỡ vất vả hơn.
Phụ huynh cần hiểu rằng con mình học hành, vui chơi và phát triển bình thường là tốt rồi. Ảnh: HTD
Hãy dẹp bỏ “giấc mộng ngôi sao”
Khi sự kỳ vọng đặt quá nhiều thì thất vọng lại càng lớn. Có những học sinh phải tự tử sau những kỳ thi đại học, những đứa trẻ phải nói dối về kết quả học tập, bị trầm cảm do không đạt được những kỳ vọng của cha mẹ. Các cha mẹ ơi, hãy chấp nhận rằng con mình là một đứa trẻ bình thường đã là tốt rồi!
Cách đây ba năm, tôi có một cô bé học trò ở mức khá nhưng cứ đến giờ kiểm tra là em rất căng thẳng, mỗi lần bị điểm 8 thì lo lắng đến khóc. Cô bé tâm sự rằng mẹ luôn mong muốn con gái đạt điểm hơn hẳn bạn bè trong lớp. Tôi nói: “Con phải xác định được hai điều: Thứ nhất, con học cho con chứ không phải con học cho cha mẹ. Thứ hai, có thể ở nơi này con là một ngôi sao sáng nhưng đến một vùng trời khác rộng hơn sẽ có những ngôi sao khác sáng hơn. Nếu cứ gồng mình trở thành sao sáng trong mọi vòm trời thì con sẽ không bao giờ có niềm vui, cuộc đời con sẽ là một chuỗi ngày phải nhón chân cho bằng người khác, đến một lúc nào đó con sẽ ngã quỵ”. Cô bé hiện đang học lớp 12 tại một trường THPT năng khiếu. Thi thoảng tôi hỏi thăm, cô bé cười rất thoải mái rằng: “Con xác định rồi thầy ạ, con không thể là đại bàng ở mọi nơi, có những lĩnh vực con chấp nhận con là chim sẻ, con thấy nhẹ nhõm hơn và còn học tốt hơn trước”.
Liệu có huấn luyện được thiên tài không? Người ta nói rằng: Thiên tài là 99% sự cố gắng và 1% bẩm sinh. Tất nhiên, có tài năng bẩm sinh mà không rèn luyện thì dễ tàn lụi. Nhưng người ta thường chỉ chú ý đến số 99% mà quên mất rằng còn 1% rất quan trọng này. Dù con người có cố gắng bao nhiêu mà không có năng lực bẩm sinh thì anh ta mãi chỉ đến mức 99% chứ không bao giờ đạt đến thiên tài 100% thực sự. Một cầu thủ rèn luyện cả hàng ngàn giờ có thể đá được những cú banh rất hay, rất xoáy nhưng không bao giờ đá được những đường bóng ngẫu hứng trong penalty như Messi, Ronaldo… Cái 1% bẩm sinh ấy là năng khiếu, mà năng khiếu là cái mà không bao giờ anh rèn luyện được.
Hơn nữa, nếu thiên tài có thể đào tạo thì xã hội sẽ toàn thiên tài, nếu nhà nhà người người đều là thiên tài thì… ai thiên tài hơn ai?
• Không cha mẹ nào có kiến thức lại tin vào quảng cáo này. Kiến thức có được phải học và tích lũy theo thời gian. Đừng đem con trẻ ra làm vật thí nghiệm hay như cỗ máy mà nhồi nhét, bắt các cháu phải trở thành thiên tài. Các cơ quan chức năng phải giám sát, kiểm tra các hoạt động liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, nhất là đối với trẻ nhỏ, không thể bỏ ngỏ quản lý như vậy được! LƯƠNG ANH TUẤN • Những kẻ đứng ra làm chương trình này có kích hoạt được não của họ để trở thành thiên tài chưa vậy? Nếu họ đã trở thành thiên tài rồi thì họ đâu cần đi kiếm tiền vụn vặt như thế này. CL • Các trung tâm này phát triển ra cả nước thì “phúc” cho mọi nhà. Sau này ra ngõ gặp thần đồng! VANICH DONG • Thiên tài, thần đồng là do bẩm sinh, do gien di truyền. Còn kích hoạt thành thần đồng thì ra thần… chì đấy! ĐỨC ĐỒNG LÊ |