Khoản 2 Điều 207 BLTTHS hiện hành quy định cụ thể về trình tự thực hiện việc xét hỏi tại phiên tòa hình sự như sau: “Chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các hội thẩm, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự”.
Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã có một thay đổi về trình tự xét hỏi tại phiên tòa hình sự, được nhiều chuyên gia ủng hộ. Đó là kiểm sát viên (KSV) sẽ hỏi trước, còn HĐXX là người hỏi sau cùng đối với những vấn đề còn chưa rõ.
Phù hợp yêu cầu của cải cách tư pháp
Luật sư (LS) Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn LS TP Hà Nội) nhận xét trước đây chúng ta đi theo mô hình tố tụng thẩm vấn nên HĐXX luôn là người hỏi trước (tức cũng là hỏi chính) để tập trung làm rõ có hay không hành vi phạm tội của bị cáo. Việc xét hỏi của KSV, LS, người bảo vệ quyền lợi của đương sự chỉ mang tính chất bổ sung. Còn hiện nay yêu cầu cải cách tư pháp (CCTP) là kết hợp mô hình tố tụng thẩm vấn với tranh tụng. Trong đó, KSV có vai trò bên buộc tội, LS là bên gỡ tội và HĐXX thực hiện chức năng trọng tài.
Nhiều chuyên gia ủng hộ kiểm sát viên xét hỏi trước tại phiên tòa hình sự. Ảnh: HTD
Như vậy, dự thảo BLTTHS (sửa đổi) quy định KSV xét hỏi trước phù hợp với yêu cầu CCTP. Theo đó, KSV hỏi trước tại phiên tòa nhằm bổ sung cho quan điểm buộc tội của mình, LS thì hỏi nhằm bảo vệ quan điểm bào chữa, HĐXX chỉ chủ yếu lắng nghe, đánh giá để ra quyết định. HĐXX chỉ xét hỏi nếu xét thấy vấn đề chưa rõ hoặc khi thấy cần thiết.
Đồng quan điểm, LS Đoàn Công Thiện (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Kiên Giang) cũng nói với yêu cầu nâng cao tính tranh tụng tại phiên tòa của CCTP thì việc chứng minh tội phạm, bảo vệ quan điểm truy tố chủ yếu là việc của VKS, của KSV. Do đó, thay vì để HĐXX hỏi trước, hỏi chính tại phiên tòa hình sự thì KSV nên đảm nhận việc này để tách bạch rõ trách nhiệm buộc tội của VKS và chức năng xét xử của tòa.
KSV sẽ hết ỷ lại vào HĐXX
Xung quanh đề xuất trên trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi), mới đây khi thảo luận tại Quốc hội, có đại biểu Quốc hội e ngại: Toàn bộ trật tự xét hỏi sẽ bị đảo lộn dẫn đến ách tắc toàn bộ hệ thống xét xử, ra phiên tòa KSV làm hết, từ đọc cáo trạng đến luận tội, tranh luận..., thẩm phán không còn việc gì để làm. Vị này còn nhận xét: 10 năm sau đội ngũ KSV hiện nay không làm được bằng anh thẩm phán về kỹ năng xét hỏi… Quan điểm này đã không được các chuyên gia đồng tình.
“Quy định như dự thảo rất tiến bộ. Khi đó vai trò, trách nhiệm của KSV sẽ được nâng cao bởi KSV phải là người thực hiện chức năng buộc tội thông qua việc xét hỏi trước và hỏi chính trong phần xét hỏi. Lúc này KSV phải độc lập thực hiện chức năng buộc tội của mình, hết ỷ lại vào HĐXX và bị đối trọng với LS thực hiện chức năng bào chữa. HĐXX có thể hỏi hoặc không tham gia xét hỏi sẽ là động lực giúp cho KSV có sự chuẩn bị, tập trung cao hơn trong việc thực hiện chức năng buộc tội của mình” - LS Lê Quang Y (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Đồng Nai) phân tích.
LS Trần Cảnh Nhứt (Chủ nhiệm Đoàn LS TP Đà Nẵng) cũng nhận định: CCTP theo hướng nâng cao tính tranh tụng và buộc các cơ quan tố tụng quay trở lại đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì trình tự xét hỏi cũng cần phải thay đổi như quy định của dự thảo.
“KSV yếu thì phải đào tạo” HĐXX không thực hiện việc xét hỏi trước và chỉ xét hỏi nếu thấy chưa rõ hoặc thấy cần thiết không có nghĩa là HĐXX ngồi không, như ý kiến phản đối quy định của dự thảo BLTTHS (sửa đổi). Với chức năng xét xử, HĐXX như là trọng tài cho hai bên buộc tội và gỡ tội. Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ được hai bên đưa ra, HĐXX sẽ phải đánh giá, nhận định và đưa ra quyết định của mình. Như vậy, yêu cầu đặt ra cho HĐXX là đưa ra một bản án, quyết định đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm. Một lý do khác không đồng tình với quy định của dự thảo là việc xét hỏi trước và hỏi chính xưa nay do thẩm phán chủ tọa phiên tòa đảm nhận, trong khi kỹ năng của KSV còn hạn chế. Tôi cho rằng đây là lý do không phù hợp. Xét hỏi để làm rõ các hành vi phạm tội của bị cáo, để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, làm rõ tội phạm là một yêu cầu, đòi hỏi bắt buộc đối với năng lực của mỗi KSV. Nếu còn yếu, chưa quen thì cần phải được đào tạo, bồi dưỡng chứ không thể lấy lý do này để phản đối một quy định rất tiến bộ mà dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã đưa ra. LS NGUYỄN HUY THIỆP, Đoàn LS TP Hà Nội |