Theo dự thảo BLTTHS (sửa đổi), phía trên của phòng xử án vẫn là vị trí ngồi của HĐXX, kiểm sát viên (KSV), thư ký tòa án; phía dưới là vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng như người bào chữa, bị cáo, người bị hại. Mới đây, thảo luận về chuyện này, các ĐBQH đã có những ý kiến khác nhau.
Ý kiến phản đối cho rằng mô hình như dự thảo không phù hợp với quy định của luật là KSV, bị cáo, người bào chữa, người bị hại... có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và bình đẳng trong tranh luận trước tòa. Ngược lại, ý kiến ủng hộ dự thảo lập luận: Về địa vị pháp lý, VKS đại diện Nhà nước, còn bên kia là người bị tình nghi phạm tội. VKS là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, không ai có thể thay VKS đưa người tình nghi phạm tội ra trước tòa để tòa xét xử. Còn luật sư (LS) chỉ là người bào chữa cho bị cáo trước sự buộc tội của Nhà nước nên địa vị pháp lý cũng phải khác KSV (đại diện VKS).
Vị trí chỗ ngồi của các bên tại phòng xử án hình sự của TAND TP Đà Nẵng. Ảnh: D.HẰNG
Bình đẳng để tranh tụng tốt hơn
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, rất nhiều chuyên gia không đồng tình với lập luận VKS đại diện cho Nhà nước “đưa người tình nghi phạm tội ra trước tòa” nên KSV sẽ có địa vị pháp lý cao hơn LS.
Theo nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Phạm Công Hùng, chỗ ngồi của các bên dù chỉ là hình thức nhưng lại liên quan đến nguyên tắc bình đẳng trong tranh tụng tại phiên tòa hình sự. Đã đến lúc cần cải cách từ ngay chỗ ngồi của các chủ thể tại phiên tòa để nhìn vào đó chúng ta thấy sự chuyển biến của cải cách tư pháp theo hướng tranh tụng bình đẳng hơn, tốt hơn.
Ông Hùng phân tích: Bên buộc tội và bên gỡ tội phải bình đẳng với nhau thì mới giúp LS có tâm lý tốt hơn khi tranh tụng. LS là người gỡ tội trên cơ sở buộc tội của VKS và họ cần được pháp luật tôn trọng ngay từ đầu, thông qua việc được ngồi ngang bằng với KSV. Nếu lập luận là một bên nhân danh nhà nước, một bên bị buộc tội thì phải khác nhau là chưa chuẩn.
Mặt khác, suy nghĩ cho rằng KSV không chỉ giữ quyền công tố, giữ vai trò buộc tội mà còn thực hiện chức năng kiểm sát xét xử nên họ phải ngồi cao hơn LS cũng không ổn. Bởi như thế sẽ tạo ra sự lẫn lộn trong nhận thức của cộng đồng xã hội đối với vai trò, địa vị pháp lý của HĐXX và KSV tại phiên tòa. Tại tòa chỉ có HĐXX là có quyền to nhất, nhân danh Nhà nước đưa ra phán xét cuối cùng.
Theo ông Hùng, chỗ ngồi của thư ký phiên tòa cũng nên bố trí lại ở ngay phía dưới bục của HĐXX chứ không ngang bằng như hiện nay vì thư ký chỉ là người ghi biên bản phiên tòa, giúp việc cho thẩm phán, không đóng vai trò quan trọng như các thành viên của HĐXX.
“Nếu giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến hình thức của phiên tòa, trong đó thiết kế chỗ ngồi hợp lý dựa theo địa vị pháp lý mà pháp luật quy định cho các chủ thể tham gia phiên tòa như KSV và LS thì sẽ có tác dụng thúc đẩy chất lượng tranh tụng tốt hơn. Đồng thời nó còn tạo ra sự uy nghiêm của HĐXX tại phiên tòa và tính nghiêm túc trong phòng xử” - ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng tình, LS Lê Văn Bình (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng KSV và LS cần ngồi phía dưới bục HĐXX và ngang hàng nhau để thể hiện sự bình đẳng tại tòa. Khi các chủ thể này đưa ra các chứng cứ buộc tội hoặc gỡ tội tòa sẽ có cảm giác họ bình đẳng nhau và đều tôn trọng HĐXX. “Cần phải thay đổi ngay từ bây giờ. Khi KSV đến với phiên tòa để thực hiện chức năng buộc tội thì phải bình đẳng với LS là bên gỡ tội” - LS Bình nói.
Phù hợp xu hướng chung
TS Nguyễn Duy Hưng (Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) khẳng định việc ngồi ngang hàng không chỉ phù hợp với xu hướng chung của thế giới mà còn đúng với thực tế và cần thiết.
Thứ nhất, chỗ ngồi tại tòa không nói lên bản chất của việc thực hiện chức năng đại diện cho Nhà nước giữ quyền công tố tại tòa. Vì thế ý kiến cho rằng ngồi ngang hàng với LS khiến KSV yếu thế hơn là không có cơ sở. Vị trí đại diện ấy thể hiện qua bản lĩnh tranh luận của vị KSV tại phiên tòa chứ không phải là ngồi chỗ nào.
Thứ hai, việc KSV và LS ngồi ngang nhau, phía dưới HĐXX sẽ giúp các bên đương sự và người tham dự phiên tòa phân biệt rõ đâu là HĐXX, đâu là KSV với LS. Hiện nay vẫn có trường hợp trả lời KSV lại “thưa HĐXX” bởi người dân nhầm tưởng KSV cũng là thành viên của HĐXX.
Cũng theo TS Hưng, các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Nga... đều sắp xếp chỗ ngồi của công tố viên và LS ngang hàng nhau trong phòng xử án. Thực tế mô hình của các nước này vận hành rất tốt, không gặp khó khăn gì. Hiện nước ta đã hội nhập sâu rộng cả trong lĩnh vực tư pháp, không có lý gì chúng ta không tranh thủ, học hỏi những kinh nghiệm hay từ các nước khác.
LS Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) nhận xét: Tại một phiên tòa hình sự, VKS là bên buộc tội bị cáo, LS là bên gỡ tội, qua tranh luận có thể giúp tòa làm rõ sự thật, xác định bị cáo có tội hay không... Hai chủ thể này đối lập nhau nhưng ngang hàng nhau tại tòa nên họ phải được bình đẳng với nhau về chỗ ngồi. Nếu lập luận rằng đại diện cho Nhà nước phải “oai” hơn phía người bị tình nghi phạm tội thì đúng nhưng chưa đủ. Bởi chức năng nhiệm vụ của ngành kiểm sát thì đã rõ nhưng vai trò ấy chỉ thể hiện ở cơ quan VKS các cấp. Còn KSV tại phiên tòa cũng chỉ có quyền đề nghị với tòa ý kiến của mình liên quan đến vụ án, không khác gì quyền của LS ở phía gỡ tội. KSV không có quyền ra phán quyết cuối cùng nên họ không phải là HĐXX. Thậm chí khi HĐXX vào phòng xử, họ còn phải đứng lên chào giống như những thành phần khác tham gia phiên tòa.
TP Đà Nẵng thay đổi vị trí ngồi của KSV Vài năm qua, TAND Đà Nẵng là nơi duy nhất trong cả nước đã bố trí lại vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và LS tại phiên tòa hình sự. Theo đó, HĐXX ngồi ở vị trí cao nhất, riêng biệt. Phía dưới, ngay trước bàn HĐXX là bàn thư ký phiên tòa. Cũng ngồi phía dưới ngang hàng nhưng ở hai bên đối diện nhau là bàn của KSV và bàn của LS. Trả lời Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo TAND TP Đà Nẵng từng cho biết việc đổi mới vị trí ngồi như trên thể hiện tinh thần xét xử theo hướng tranh tụng tiến bộ hơn. Thật ra TAND tỉnh Bình Dương mới là nơi đầu tiên trong cả nước có ý tưởng bố trí chỗ ngồi như trên. Tuy nhiên, dù được dư luận ủng hộ nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cuối cùng TAND tỉnh Bình Dương đã phải dừng việc thí điểm này lại ngay khi chưa triển khai thực hiện được bao lâu. Còn TAND TP Đà Nẵng đã quyết tâm thay đổi và được dư luận ủng hộ. Hiện nay nhiều chuyên gia, đặc biệt là giới LS cho biết rất hy vọng tòa án các địa phương khác cũng sẽ bố trí chỗ ngồi tại phòng xử án tương tự như TAND TP Đà Nẵng. |