Theo Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, dự thảo BLTTHS sửa đổi chưa ghi nhận kiến nghị của giới luật sư và một số tòa án các cấp về vị trí ngồi của kiểm sát viên và luật sư. Nếu dự thảo luật không thay đổi thì nguyên tắc tranh tụng trong xét xử sẽ không được đảm bảo.
Dự thảo BLTTHS sửa đổi (do VKSND Tối cao chủ trì soạn thảo, đã được công bố xin ý kiến đóng góp) có quy định về phòng xử án (Điều 242). Theo đó, vị trí ngồi của kiểm sát viên với người bào chữa vẫn thể hiện sự bất bình đẳng giữa các bên buộc tội và gỡ tội: Phía trên của phòng xử án gồm vị trí ngồi của HĐXX, kiểm sát viên và thư ký tòa. HĐXX ngồi chính giữa; kiểm sát viên ngồi bên phải, thư ký ngồi bên trái HĐXX. Phía dưới của phòng xử án gồm vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa. Người bào chữa ngồi bên trái, người giám định và người phiên dịch ngồi bên phải HĐXX…
Kiểm sát viên được bố trí ngồi ngang bằng với luật sư trong phòng xử của TAND TP Đà Nẵng. Ảnh: D.HẰNG
Quy định như trên chỉ là pháp điển hóa thực tiễn chứ không có sự thay đổi gì. Về hình thức thể hiện sự bất bình đẳng giữa các bên buộc tội và gỡ tội, dễ hiểu nhầm tòa án có chức năng buộc tội. Dự thảo quy định như vậy là chưa ghi nhận kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và của một số tòa án là cần nghiên cứu bố trí, sắp xếp lại chỗ ngồi của HĐXX, kiểm sát viên, luật sư cho phù hợp với địa vị pháp lý của từng chủ thể trong hoạt động tố tụng. Theo đó, HĐXX cần được bố trí ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất, còn kiểm sát viên, luật sư ở vị trí ngang nhau để vừa đảm bảo sự bình đẳng vừa đảm bảo vị thế của HĐXX - chủ thể duy nhất được quyền nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp…
Từ đó Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa cho rằng theo tinh thần cải cách tư pháp và Hiến pháp 2013, dự thảo BLTTHS (sửa đổi) cần quy định rõ vị trí chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Trong đó cần quy định rõ vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên giữ quyền công tố phải tương xứng, ngang bằng với vị trí chỗ ngồi của người bào chữa trong vụ án hình sự để bảo đảm sự bình đẳng về mặt hình thức, giúp người bào chữa có được tâm lý tốt khi tranh luận với kiểm sát viên, bảo vệ cho thân chủ của mình. Luật có quy định cụ thể như vậy thì mới cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm theo khoản 5 Điều 103 Hiến pháp 2013.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa