Kiểm soát tiền chảy vào bất động sản: Không nóng vội

(PLO)- Ba tháng đầu năm 2022, trong hơn 526.000 tỉ đồng vốn được bơm thêm vào nền kinh tế thì có khoảng hơn 30% đi vào lĩnh vực bất động sản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Ngành ngân hàng không siết tín dụng chảy vào bất động sản mà chỉ kiểm soát rủi ro tín dụng bất động sản có tính đầu cơ”.

Trong ba tháng đầu năm 2022, quy mô tín dụng bất động sản ước đạt 2,2 triệu tỉ đồng, tương ứng 20,2% tổng dư nợ. So với cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng vốn vào lĩnh vực bất động sản là 7,9%, cao hơn mức tăng chung của toàn hệ thống là 5%. Xét về số tuyệt đối, trong hơn 526.000 tỉ đồng vốn được bơm thêm vào nền kinh tế thì có khoảng hơn 30% đi vào lĩnh vực bất động sản.

Xét ở khía cạnh nợ xấu, tổng nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống, tỉ lệ nợ xấu đối với riêng lĩnh vực này là 1,7% tại thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, 62% nợ xấu đến từ nhu cầu tiêu dùng mua nhà ở và 38% nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, rủi ro có lẽ không nằm ở con số thống kê nợ xấu mà ở chỗ tỉ lệ thế chấp bằng bất động sản trong hệ thống ngân hàng là lớn, lên đến 60-70%. Hệ quả là khi giá bất động sản giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng và mục tiêu ổn định vĩ mô nói chung.

Trong khi chờ đợi hành lang pháp lý vững chắc hơn để điều tiết hoạt động thị trường bất động sản, việc yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ và có chọn lọc hơn đối với việc vay mua bất động sản cùng với việc cấp hạn mức tín dụng từng lần có lẽ vẫn đang là công cụ chính nhưng không đủ mạnh của NHNN.

Các chuyên gia phân tích thị trường tại VDSC cho rằng: "Hiện, nhà điều hành tại Việt Nam đang vừa làm vừa quan sát, việc kiểm soát sự phát triển quá nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp có liên đới trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản là một bước đi đúng và cần thiết. Tuy nhiên, việc dò đường để kiểm soát tình trạng đầu cơ đất đai gian nan hơn rất nhiều”.

Nhìn từ trường hợp của Trung Quốc, sau một thời gian siết chặt các chính sách về nhà ở thì đến nay nước này đang phải đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm