Trong đó, có hai nội dung quan trọng mà nếu được thông qua có thể sẽ tác động cực kỳ nghiêm trọng đến thị trường BĐS năm 2016 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, dự thảo sửa đổi quy định giảm trần sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%. Thực chất là hạn chế nguồn cung tín dụng trung và dài hạn vào thị trường BĐS. Thứ hai là tăng hệ số rủi ro từ 150% hiện nay lên 250% đối với nhóm tài sản thuộc các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS. Nghĩa là xác định thị trường BĐS nhiều rủi ro, gây bất lợi cho sự phát triển của thị trường này.
“Điều này kéo theo chi phí vay vốn, chi phí tài chính của doanh nghiệp nặng thêm, lãi suất cao hơn, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi chủ đầu tư” - ông Châu nói.
Từ đó, hiệp hội đề nghị ban chấp hành HoREA và các doanh nghiệp cho ý kiến gấp để góp ý sửa đổi Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng sẽ khẩn trương có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện việc công chứng tài sản đảm bảo là BĐS hình thành trong tương lai và đăng ký thế chấp tài sản đảm bảo là BĐS hình thành trong tương lai để xử lý ách tắc trên thị trường BĐS hiện nay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho hay Thông tư 36 đã nói rõ kinh doanh BĐS là việc bỏ vốn đầu tư tạo lập, mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua BĐS để bán, chuyển nhượng… nhằm mục đích sinh lợi. Do đó việc thay đổi hệ số rủi ro của “khoản phải đòi để kinh doanh BĐS” không ảnh hưởng đến các chương trình, chính sách cho vay mua nhà ở của Chính phủ. Hay nói cách khác không làm ảnh hưởng đến việc cá nhân mua nhà trả góp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giảm trần tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để tài trợ cho vay trung dài hạn sẽ ảnh hưởng tới phân khúc cho vay mua nhà trả góp đối với một số ngân hàng đang có tỉ lệ này ở ngưỡng cao. Ngoài ra, nó cũng hạn chế đối với việc xây dựng các khu công nghiệp.