Kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ ở TP.HCM: Đụng đâu sai đó!

“Do nhu cầu làm đẹp ngày càng nhiều nên số lượng cơ sở hoạt động thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM tăng theo. Tuy nhiên, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi hoạt động cần tuân thủ những quy định hành nghề. Một khi cơ sở thẩm mỹ cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt đúng pháp luật”.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đưa ra thông tin trên tại hội nghị “Quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM năm 2019” được tổ chức vào chiều 7-11.

BS Nguyễn Văn Nguyên, Trưởng phòng Y tế quận 10, TP.HCM, cho biết trên địa bàn quận có 65 phòng khám thẩm mỹ và gần 230 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (spa, chăm sóc da).

Sự cố chết người do làm đẹp đã xảy ra ở BV thẩm mỹ Emcas. Ảnh: TN

“Mặc dù tất cả cơ sở nói trên ký cam kết không thực hiện các dịch vụ vượt quá chuyên môn nhưng khi kiểm tra vẫn phát hiện sai phạm. Cơ quan chức năng quận 10 phạt 14 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ với số tiền 400 triệu đồng. Có một số cơ sở tiêm chất làm đầy, cắt mí… vượt quá phạm vi hoạt động” - BS Nguyên nói.

Theo BS Nguyên, các vi phạm nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ “dính” bao gồm quảng cáo và thực hiện các dịch vụ chưa được cấp phép, kinh doanh mỹ phẩm hết hạn sử dụng… “Cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn khi xử phạt do cơ sở che giấu chứng cứ và phủ nhận hành vi sai phạm; các cơ sở gắn camera nên dễ phát hiện đoàn kiểm tra từ xa; chủ cơ sở vắng mặt khi đoàn kiểm tra tới” - ông Nguyên cho biết.

BS Nguyễn Mạnh Cường, Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết thêm các sai phạm mà những phòng khám thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thường gặp bao gồm hành nghề nhưng không có chứng chỉ hành nghề; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn; không ghi chép đầy đủ hồ sơ bệnh án; hoạt động chưa có giấy phép; sử dụng thuốc và thiết bị không nguồn gốc…

Theo BS Lê Minh Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế thuộc Sở Y tế TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM hiện có 15 BV chuyên khoa thẩm mỹ, 10 BV đa khoa có khoa thẩm mỹ, 186 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và gần 1.400 cơ sở chăm sóc da, spa.

“Các cơ sở chăm sóc da, spa thường quảng cáo tràn lan trên nhiều phương tiện khiến khách hàng dễ dàng tìm đến làm đẹp. Qua kiểm tra thực tế có phát hiện cơ sở chăm sóc da, spa thực hiện các dịch vụ cấm như kỹ thuật xâm lấn và tiêm chất làm đầy” - BS Hùng nói.

BS Hùng cho biết thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM phối hợp với UBND quận, huyện tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở thẩm mỹ cố tình vi phạm pháp luật. “Nội dung kiểm tra bao gồm điều kiện hoạt dộng, đăng ký hành nghề, phạm vi hành nghề và hoạt động quảng cáo” - BS Hùng nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới