Dự kiến hôm nay (12-6), TAND tỉnh Nghệ An sẽ mở phiên xử phúc thẩm xử vụ ông Trần Tử Trường (36 tuổi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trường Sơn) kiện Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Kiện hành chính đòi bồi thường 23 tỉ đồng
Theo đơn khởi kiện, DNTN Trường Sơn (đóng tại huyện Nghĩa Đàn) là DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu và vận tải. Quá trình hoạt động hằng năm, Trường Sơn đã đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước đúng quy định.
Năm 2013, Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn đã thu thuế của Trường Sơn hai lần trong một tháng bằng biện pháp khấu trừ qua tài khoản của DN tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phủ Quỳ. Đã nhiều lần Trường Sơn đề nghị Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn bù trừ số tiền thuế thu thừa này vào tháng tiếp theo nhưng Chi cục Thuế không làm.
Đầu tháng 5-2014, Trường Sơn ngừng nộp thuế để giải quyết vấn đề thu thừa này. Ngày 7-5-2014, Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn đã tiến hành phong tỏa tài khoản DN và cho cán bộ đến trụ sở của DN lập biên bản niêm phong toàn bộ hóa đơn. Điều này khiến Trường Sơn phải ngừng hoạt động và gây thiệt hại cho DN này.
Ông Trường đại diện cho DN tư nhân Trường Sơn khởi kiện yêu cầu xem xét hành vi hành chính của Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn và yêu cầu bồi thường thiệt hại tổng số tiền hơn 23 tỉ đồng (chưa tính thất thu thuế cho Nhà nước mỗi năm 4 tỉ đồng).
Ông Trường cho rằng việc Chi cục Thuế cho nhân viên đến DN không đưa ra quyết định cưỡng chế mà yêu cầu đưa toàn bộ hóa đơn chưa sử dụng bỏ vào túi nylon và dán niêm phong kèm theo với biên bản niêm phong hóa đơn khiến DN không hoạt động được. Việc làm này đã vi phạm quy định tại Điều 98a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Giám đốc Trần Tử Trường ôm thùng hóa đơn đang bị niêm phong đi kiện chi cục thuế. Ảnh: ĐẮC LAM
Tòa sơ thẩm bác đơn kiện
Ngày 7-11-2016, TAND huyện Nghĩa Đàn xử sơ thẩm vụ kiện hành chính trên. HĐXX cho rằng tính đến ngày 30-4-2014, DN Trường Sơn còn nợ số tiền thuế là hơn 120 triệu đồng, trong đó nợ trên 90 ngày là 60 triệu đồng. Ngày 14-4-2014, Chi cục Thuế ban hành thông báo yêu cầu DN phải nộp ngay số tiền nợ thuế nhưng DN không nộp. Ngày 29-4-2014, Chi cục Thuế ban hành thông báo nợ về việc sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ nhưng DN vẫn không chấp hành số thuế còn nợ.
Do DN đã nợ thuế trên 90 ngày nên Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế. Nhưng do tài khoản không còn đủ tiền nên phải chuyển sang biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Sau một ngày gửi thông báo về việc cung cấp thông tin tình hình sử dụng hóa đơn, ngày 7-5-2014, vợ chồng ông Trường đã đến làm việc với Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn và xác minh, kiểm kê còn chín quyển hóa đơn (có 412 số chưa sử dụng). Chi cục Thuế đã lập biên bản ghi cụ thể số lượng hóa đơn và giao lại cho chị Nguyễn Thị Thảo (vợ ông Trường, nhân viên DN) bảo quản, cất giữ.
Hai ngày sau (9-5-2014), Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp “thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng” đối với DN Trường Sơn. Về yêu cầu bồi thường hơn 23 tỉ đồng, HĐXX cũng cho rằng không thể chấp nhận.
Theo HĐXX sơ thẩm, xét về người có thẩm quyền thực hiện, chị Linh là cán bộ trong đội kiểm tra - quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế do sự phân công của chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Nghĩa Đàn. Hành vi của chị Linh đã thực hiện đúng quy định của người có thẩm quyền phân công và đúng chức trách, nhiệm vụ của mình nên không có cơ sở chấp nhận đơn khởi kiện.
HĐXX đã tuyên bác đơn khởi kiện của ông Trường. Về án phí, ông Trường phải chịu 200.000 đồng.
Doanh nghiệp yêu cầu mở niêm phong
Không chấp nhận phán quyết trên, ông Trường đã kháng cáo và tiếp tục yêu cầu bồi thường hơn 23 tỉ đồng. Ông Trường nói: “Tôi kiện là kiện hành vi hành chính nhưng cấp sơ thẩm lại tuyên theo quyết định hành chính nên tôi kháng cáo bản án sơ thẩm”.
Theo ông Trường, hiện chín quyển hóa đơn của DN đã bị niêm phong và hiện vẫn còn bị niêm phong, DN cần mở niêm phong đó ra để hoạt động.
Trả lời PV, bà Lang Thị Duyến, Chánh Tòa Hành chính TAND tỉnh Nghệ An, cho biết: “Bên người khởi kiện yêu cầu bồi thường hơn 23 tỉ đồng nhưng ở bản án sơ thẩm TAND huyện Nghĩa Đàn không thu phần án phí này. Theo quy định, nếu người khởi kiện không rút kháng cáo và vẫn yêu cầu bồi thường hơn 23 tỉ đồng thì cấp phúc thẩm phải xem xét phần án phí này (khoảng 130 triệu đồng) cho Nhà nước”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phiên tòa phúc thẩm.