Tại đơn khởi kiện, ông N. trình bày ngày 1-10-2017, gia đình ông và bà C. tổ chức đám hỏi cho hai con, dự kiến đến ngày 21-11-2017 âm lịch sẽ tổ chức đám cưới. Tại đám hỏi, gia đình ông có tặng cô dâu tương lai nhiều món quà có giá trị.
Hủy hôn vì nhà gái chê ít vàng?
Đó là tiền nạp tài đám hỏi 10 triệu đồng, tiền quần áo cho cô dâu 3 triệu đồng, tiền phụ đám cưới 5 triệu đồng. Ngoài ra là số nữ trang có tổng giá trị 37,9 triệu đồng gồm: Một đôi bông tai một chỉ vàng 24K ( trị giá 3,6 triệu đồng); một sợi dây chuyền ba chỉ vàng 24K (10,9 triệu đồng); một lắc tay hai chỉ vàng (7 triệu đồng); một bộ vòng tay 10 chiếc 5,7 chỉ vàng 18K (14,9 triệu đồng); một nhẫn cưới vàng 18K (1,4 triệu đồng).
bất ngờ là sau khi làm đám hỏi thì giữa hai gia đình xảy ra mâu thuẫn, do gia đình ông N. nghe thông tin gia đình nhà gái chê cho tiền, vàng ít.
Sau đó, hai gia đình có ngồi lại với nhau để bàn bạc. tại đây ông N. có nói xin lỗi gia đình nhà gái để cho đám cưới được diễn ra như dự định. Đáp lại, phía nhà gái nói cho thời gian ba ngày để suy nghĩ rồi trả lời sau. Thế nhưng sau đó phía nhà gái có quyết định không rõ ràng, lúc thì cho cưới, lúc nói không.
Từ đó ông N. khởi kiện yêu cầu chị T. phải trả lại 8 triệu đồng tiền nhà trai lo quần áo cô dâu và tiền phụ đám cưới cùng toàn bộ số vàng ước tính thành tiền là 37,9 triệu đồng (tổng cộng 45,9 triệu đồng). Đối với số tiền 10 triệu đồng còn lại, do đã làm chi phí cho đám hỏi nên ông N. không yêu cầu trả lại.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông N. không yêu cầu chị T. phải trả số tiền 3 triệu đồng là tiền quần áo cho cô dâu, chỉ yêu cầu chị trả tổng số tiền là 42,9 triệu đồng. Trong số này ông N. yêu cầu bà C. phải trả 5 triệu đồng, còn chị T. phải trả 37,9 triệu đồng.
Cô dâu hụt kháng cáo
Tại tòa, bà C. (đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của chị T.) thống nhất với trình bày của ông N. về diễn biến sự việc số tiền và số lượng cũng như trọng lượng nữ trang. Tuy nhiên, theo bà số tiền 5 triệu đồng nạp tài đám cưới bà đã chi cho đám hỏi, tiền quần áo cho cô dâu 3 triệu đồng và toàn bộ số nữ trang thì do chị T. cất giữ. Nhưng số tài sản này chị T. cũng đã bán lấy tiền chi trả các khoản tiền đặt cọc chuẩn bị cho đám cưới gồm tiền may quần áo 10 triệu đồng, tiền thuê xe 1 triệu đồng, tiền đặt thức ăn 13,5 triệu đồng.
Theo bà C., nguyên nhân dẫn đến việc hủy hôn là gia đình ông N. vì thông tin cho rằng gia đình bà chê bai phía nhà trai cho tiền, vàng ít là không đúng sự thật. Khi gia đình ông N. đến nhà bà xin lỗi, bà có nói cho thời gian ba ngày để suy nghĩ.
Trong thời gian này bà và chị T. đã nhiều lần liên hệ với con trai ông N. để nói chuyện nhưng không được khiến đám cưới không thể diễn ra. Do vậy, bà và chị T. không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông N. vì các khoản tiền trên là tài sản bù đắp tổn thất tinh thần cho chị T. vì đám cưới không thể diễn ra.
Cuối cùng, tòa sơ thẩm tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông N., buộc chị T. trả cho ông N. số vàng cưới tính trị giá thành tiền là 37,9 triệu đồng, buộc bà C. trả cho ông N., số tiền 5 triệu đồng. Sau đó chị T. và bà C. kháng cáo.
Mới đây TAND tỉnh Tây Ninh đã xử phúc thẩm vụ kiện hy hữu này và tuyên sửa án sơ thẩm theo hướng mỗi bên chịu một nửa.
Tòa phúc thẩm: Nhà gái, nhà trai cùng có lỗi HĐXX phúc thẩm nhận định nguyên nhân dẫn đến việc hủy đám cưới xuất phát từ cả hai gia đình. Vì các bên không trực tiếp tìm hiểu thông tin nghe được từ hai phía có chính xác không, không thiện chí cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn để dẫn đến việc hủy đám cưới. Mặt khác, chị T. và chồng chưa cưới cũng chưa có nhiều thời gian tìm hiểu để đi đến hôn nhân, không tạo điều kiện, cơ hội cho nhau để giải quyết những mâu thuẫn. Do đó, theo HĐXX lỗi dẫn đến hủy đám cưới, là của cả hai bên nên chỉ buộc chị T. có nghĩa vụ trả lại 1/2 số vàng cưới, tương đương với 18,9 triệu đồng. Bà C. có nghĩa vụ trả lại 1/2 số tiền 5 triệu đồng là tiền nạp tài đám cưới. |