Sơ thẩm: Bác đơn kiện
Theo đơn khởi kiện của ông Luận, năm 1972, ông có mua một khu nhà đất với diện tích 92 m2. Từ đó tới năm 1997, vợ chồng ông không hề chuyển hay cho tặng ai nhưng theo sổ sách sao lục thuế thì diện tích đất nhà ông chỉ có 76 m2. Đến năm 2012, nhà bà Thu kế bên xây nhà đã lấn sang phần đất nhà ông hơn 3 cm. Cụ thể, sân và tường nhà bà Thu “bao trọn” cả các ô văng cửa sổ nhà ông Luận. Vì vậy ông khởi kiện bà Thu ra TAND quận Thanh Khê đòi lại đất.
Tại tòa, phía ông Luận cho rằng theo truyền thống của người Việt khi xây nhà sẽ trừ lại một khoảng đất trống để rớt nước mưa. Ranh giới giữa nhà này với nhà kia sẽ được tính như sau: Phía sau là đầu hồi, phía trước và bên hông là ô văng. Như vậy phía hông nhà ông có ba ô văng cửa sổ, ô văng tới đâu thì diện tích nhà ông tới đó. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, khi gia đình bà Thu làm giấy đỏ lại được tính luôn cả phần ô văng cửa sổ nhà ông, từ đó khi xây nhà gia đình bà Thu đã lấn chiếm nguyên ba ô văng nói trên.
Vợ chồng ông Luận sau phiên xử. Ảnh: D.HẰNG
Ngược lại, đại diện của bà Thu nói tính theo giấy đỏ thì diện tích đất của bà là 97,5 m2, còn tính theo sổ sao lục thuế thì bà có 100 m2. Nhưng thực tế đo đạc thì hiện tại gia đình bà chỉ còn 96 m2. Như vậy bà vẫn còn thiếu 1,5 m2 đất nên không có chuyện lấn chiếm.
TAND quận Thanh Khê xử sơ thẩm đã bác yêu cầu của ông Luận, tuyên giữ nguyên hiện trạng. Theo tòa, bà Thu còn thiếu đất, phần ô văng cửa sổ của ông Luận nằm trên đất của bà Thu là thiệt thòi cho bà Thu trong khi bà đã không yêu cầu ông Luận bồi thường hay tháo dỡ.
Phúc thẩm: Buộc bị đơn trả tiền
Ông Luận kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, ông khẳng định diện tích đất ban đầu bà Thu mua chỉ có 80 m2 chứ không phải 97,5 m2 như giấy đỏ đã ghi. Thêm nữa, căn nhà của ông bà làm từ năm 1972 đã có sẵn các ô văng cửa sổ, sau đó ông bà không hề sửa nhà thì làm sao có chuyện lấn chiếm đất của bà Thu được. Còn giấy đỏ của bà Thu chỉ mới được cấp năm 2003 nên bà Thu “đã gian dối để được cấp giấy với diện tích lớn hơn”.
Đến đây, phía bà Thu thừa nhận có sử dụng đất lấn chiếm của ông Luận nhưng lý giải rằng bà Thu không hề gian dối trong quá trình làm giấy đỏ, có chăng là cán bộ đã có sai sót khi đo đạc, tính luôn cả phần thiết kế ô văng cửa sổ của nhà ông Luận. Từ đó phía bà Thu đề nghị bồi thường chứ không trả đất vì hiện một phần đất lấn chiếm đã được bà xây thành nhà. Theo định giá thì phần đất lấn chiếm chỉ khoảng 5 triệu đồng nhưng phía bà Thu chấp nhận trả cho ông Luận 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Luận vẫn cương quyết yêu cầu bà Thu trả đất để ông mở cửa sổ cho thoáng. Sau khi xem xét, TAND TP Đà Nẵng nhận định nếu lấy các ô văng làm mốc giới ngăn hai nhà thì bà Thu lấn sang đất của ông Luận nơi hẹp nhất là 2,7 cm, nơi rộng nhất là 3,7 cm với chiều dài gần 10 m, trong đó có hơn 5 m đã được bà Thu xây tường nhà kiên cố nên không thể tháo dỡ. Mặt khác, nếu tòa tuyên trả đất thì một khi bà Thu xây tường chắn, ông Luận cũng không thể mở được cửa sổ nên tuyên buộc quy ra tiền như trên.
DƯƠNG HẰNG
Làng xóm tối lửa tắt đèn có nhau Sau khi ông Luận yêu cầu phía bà Thu phá nhà để trả hơn 3 cm đất phần ô văng cửa sổ, vị chủ tọa nghiêm giọng: “Ông có nghĩ tới tình làng nghĩa xóm không?”. “Có chứ nhưng vì hòa giải không thành” - ông Luận phân bua. Vị chủ tọa khuyên nhủ: “Cùng là người Việt, sống quần cư để tối lửa tắt đèn có nhau, giúp đỡ nhau những lúc trái gió trở trời. Không thể vì chút đất mà bắt hàng xóm đập cả nhà. Làm như vậy thì còn gì là tình làng nghĩa xóm!”. |