Ngày 6-3, theo dự kiến, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM sẽ xử vụ đòi bồi thường thiệt hại liên quan 28 cái răng bọc sứ giữa ông ĐT (Việt kiều Mỹ) và bác sĩ chữa răng TXT.
Chữa răng không thành
Ông ĐT trình bày tháng 2-2011, ông đến phòng khám của BS TXT để chữa răng. Hai bên thỏa thuận BS T. sẽ bọc sứ 28 cái răng của ông trong vòng bảy ngày với số tiền là 80 triệu đồng. Sau khi ông đưa tiền, bác sĩ không trực tiếp chữa răng cho ông mà giao cho một nhân viên nữ thực hiện. Người này không có bằng cấp chuyên môn nên đến hết ngày giao kết, nhân viên trên chỉ làm được 20 cái nhưng số răng này lại bị ngắn, không phù hợp làm ông bị đau. Vì thế ông đã yêu cầu tháo hết và gắn lại toàn bộ 28 cái. Hơn một tháng sau, BS T. và nhân viên mới tiến hành gắn cho ông. Trước khi gắn ông có phát hiện những cái răng hơi to và yêu cầu chỉnh sửa. BS T. nói cứ gắn vào rồi sẽ chỉnh sửa sau. Lần này, răng gắn cũng không phù hợp nên gây đau đớn và ảnh hưởng đến sức khỏe của ông. Nhận thấy BS T. không thực hiện đúng như thỏa thuận ban đầu nên tháng 5-2011, ông khởi kiện bác sĩ ra TAND TP.HCM đòi lại số tiền chữa răng và phải bồi thường tổng cộng 160 triệu đồng.
Không bồi thường vì không có lỗi
Tại phiên xử sơ thẩm cuối tháng 7-2011, ông T. đã hạ mức tiền đòi bồi thường xuống còn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, phía bác sĩ không đồng ý.
BS T. giải thích vì lý do kỹ thuật nên việc gắn răng phải chia ra làm hai đợt. Đợt đầu 20 cái và đợt sau là tám cái còn lại, có nói rõ cho ông T. biết. Việc gắn răng do chính ông trực tiếp thực hiện. Sau khi làm xong đợt 1 thì ông T. cho rằng việc gắn 20 cái răng này không thẩm mỹ, yêu cầu tháo ra và gắn 28 cái một lần. Mặc dù về chuyên môn không sai phạm nhưng do ông T. la lối ở phòng khám và xung quanh làm mất uy tín nên ông đồng ý tháo 20 cái răng ra. Rút kinh nghiệm lần đầu, trước khi gắn 28 cái răng, ông yêu cầu ông T. nếu đồng ý gắn thì ông gắn, còn không thì sẽ tiếp tục thử răng cho đến khi đồng ý. Sau đó, ông T. đã ký vào văn bản đồng ý gắn răng nên ông tiến hành gắn cố định 28 cái răng. Hai ngày sau, ông T. quay lại phòng khám yêu cầu tháo ra làm lại nhưng do bận đi công tác nên ông không gặp. Sau đó, ông T. tự ý đến phòng răng khác tháo răng ra. Vụ này ông không sai nên không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường.
HĐXX sơ thẩm nhận định trước khi gắn 28 cái răng, ông T. đã ký vào văn bản “đồng ý gắn không thay đổi”. Điều này có nghĩa là nguyên đơn hoàn toàn đồng ý với kích cỡ cũng như chất lượng răng. Sau đó, BS T. tiến hành gắn răng và nhận nốt số tiền còn lại. Như vậy, BS T. đã hoàn thành việc chữa trị 28 cái răng cho nguyên đơn. Lẽ ra trong trường hợp này, nếu cho rằng việc gắn răng chưa hoàn chỉnh, nguyên đơn nên yêu cầu bác sĩ chỉnh sửa lại. Nếu bác sĩ không sửa thì nguyên đơn đến cơ sở y tế nhà nước khám để chứng minh việc BS T. đã không hoàn thành việc gắn răng. Ở đây, nguyên đơn lại tự ý đến phòng nha khác để chỉnh sửa. Do đó không đủ căn cứ cho rằng BS T. gắn răng không hoàn chỉnh cho ông. Mặt khác, hồ sơ thể hiện BS T. gắn răng cho nguyên đơn chứ không phải nhân viên nên không có lỗi. Từ những phân tích trên, HĐXX không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của ông T.
Ngay sau khi xử sơ thẩm, ông T. kháng cáo toàn bộ bản án…
Góc nhìn khác Phải có chứng cứ chứng minh bị thiệt hại Theo một số chuyên gia pháp luật, khi khởi kiện đòi bồi thường, nguyên đơn phải có cơ sở, căn cứ để chứng minh mình bị thiệt hại. Việc giám định thiệt hại phải được cơ quan giám định có tư cách chuyên môn xác định mới có thể làm căn cứ để xem xét. Đúng như nhận định của cấp sơ thẩm, trong trường hợp nếu nguyên đơn cho rằng bị đơn đã làm sai, làm ẩu thì cần giữ nguyên tình trạng răng đến cơ sở y tế nhà nước khám và xác định, không nên tự ý đi nơi khác để chỉnh sửa. Bởi nếu đi khám ở cơ sở y tế thì tòa có thể dựa trên bệnh án xác định, việc chỉnh sửa răng của bác sĩ bị đơn là đúng hay sai, có ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh hay không, còn đi nơi khác thì có khi không lưu hồ sơ, không thể hiện được quá trình chỉnh sửa răng trước đó... nên không có cơ sở chứng minh. |
HOÀNG YẾN