TAND TP.HCM vừa bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm trong vụ ông TTTS kiện một trường trung cấp dạy nghề có trụ sở ở quận 10.
Học xong không được thi ngay?
Theo hồ sơ, tháng 11-2013, ông S. nộp đơn khởi kiện ra TAND quận 10, trình bày rằng ông đăng ký học lái ô tô hạng du lịch B2 tại trường dạy nghề, khóa 167, học từ ngày 29-9-2013, dự kiến tốt nghiệp vào tháng 10-2013. Ông S. cho rằng trường dạy nghề “đã khai báo gian dối” lên Sở GTVT nên tên ông bị đưa vào khóa sau khiến thời gian kéo dài đến tháng 1-2014 ông mới được thi lấy bằng lái. Việc bị trường dạy nghề kéo dài quá ba tháng này đã khiến ông bị thiệt hại vì mất thời gian, chi phí, ảnh hưởng đến công việc. Ông đã lên phản ánh với ban giám hiệu, tuy nhiên không những không được giải quyết mà ông e ngại là còn có thể bị hủy hồ sơ. Vì vậy ông kiện ra tòa yêu cầu trường dạy nghề trả lại học phí và hoàn tất thủ tục, hồ sơ cho ông...
Làm việc với tòa, ông S. nói rõ hơn vào ngày 16-1-2014, ông đã tham gia kỳ thi lái xe do trường dạy nghề tổ chức nhưng không đậu. Sau đó ông thi lại vào tháng 3 và đậu, hiện ông đã nhận được bằng lái cùng toàn bộ hồ sơ. Tuy nhiên, ông vẫn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại bởi theo ông, việc kéo dài thời gian học và mãi đến đầu năm sau mới được thi làm ông… mất việc làm với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, phải mất chi phí để ôn thêm, chịu áp lực thi cử… Nay ông yêu cầu trường dạy nghề bồi thường 6 triệu đồng.
Yêu cầu không có căn cứ
Phía trường dạy nghề cho rằng các yêu cầu của ông S. là vô lý vì trách nhiệm của trường đã hoàn thành. Cụ thể, ban đầu ông S. đăng ký khóa 167 nhưng do ông muốn vào học ngay nên trường đã sắp xếp ông học khóa 166 (khai giảng trước ngày ông S. đóng tiền). Ông S. đã hoàn thành chương trình học sớm một tháng. Ông muốn thi vào tháng 12-2013 nhưng theo tiến độ thì khóa ông đăng ký phải thi vào tháng 1-2014. Từ đây giữa hai bên xảy ra bất đồng và nhà trường từng muốn trả lại học phí, thanh lý hợp đồng với ông. Tuy nhiên, sau đó ông S. vẫn tham gia thi sát hạch vào đầu năm 2014 nhưng không đậu rồi thi lại lần nữa mới đậu.
Xử sơ thẩm hồi tháng 8, TAND quận 10 xác định ông S. giữ nguyên yêu cầu khởi kiện như trong đơn gửi tòa ban đầu (đòi trường dạy nghề bồi thường bằng việc trả lại học phí). Còn các yêu cầu khác, ông S. đã rút lại.
Tòa nhận định từ lời khai của đôi bên có thể xác nhận trường thu học phí theo quy định và đã hoàn thành việc đào tạo. Phía ông S. đã được thi sát hạch cấp giấy phép lái xe (khâu cuối của quy trình đào tạo lái xe), tức trách nhiệm của trường đối với học viên đã hoàn thành theo hợp đồng. Ở đây, ông S. nói rằng bị thiệt hại về thời gian, chi phí, công ăn việc làm là chưa có cơ sở thuyết phục. Từ đó, tòa bác yêu cầu của ông S.
Tòa phúc thẩm chỉ giải quyết theo án sơ thẩm
Ông S. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm mới đây, cả đại diện VKS lẫn HĐXX đều đồng tình với quan điểm của tòa sơ thẩm. Từ đó, tòa phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm như đã nói.
Một điều đáng chú ý về tố tụng tại phiên xử phúc thẩm là tòa và đại diện VKS đã phải dành nhiều thời gian giải thích cho ông S. hiểu về sự khác nhau giữa chuyện đòi lại học phí với đòi bồi thường thiệt hại. Bởi lẽ tại phiên tòa, khi thì ông S. đòi trường bồi thường bằng cách trả lại học phí, lúc ông lại đòi trường bồi thiệt thiệt hại thêm khoảng 6 triệu đồng.
Đại diện VKS hỏi ông S.: “Theo ông thì vấn đề chính dẫn đến thiệt hại của ông là trường dạy nghề kéo dài thời gian thi. Vậy ông tranh chấp từ hợp đồng dịch vụ ký với nhà trường hay đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?”. Theo đại diện VKS, nếu ông S. đòi lại tiền học phí thì đây là vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ. Còn nếu ông S. đòi bồi thường thiệt hại thì đây là vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
HĐXX phân tích thêm: Ông S. có sự nhập nhằng giữa việc đòi lại học phí và bồi thường thiệt hại. Ban đầu ông xác định trong đơn kiện là đòi lại học phí nên tòa sơ thẩm xác định là vụ án tranh chấp hợp đồng dịch vụ. Nhưng trong quá trình tòa sơ thẩm giải quyết, ông lại đòi trường bồi thường 6 triệu đồng nhưng không có đơn khởi kiện bổ sung cũng như đóng tạm ứng án phí. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông rút yêu cầu thay đổi đó nên cấp sơ thẩm không xem xét là phù hợp.
Vì thế, dù tại phiên tòa phúc thẩm ông S. có đòi trường dạy nghề bồi thường thiệt hại thêm 6 triệu đồng nhưng cấp phúc thẩm chỉ xem xét nội dung mà án sơ thẩm đã giải quyết. Trong trường hợp này, nếu ông S. thấy cần thiết thì có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bằng một vụ án khác.