Ngày 23-4, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về các vấn đề liên quan dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai).
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết theo kế hoạch, sân bay Long Thành sẽ khởi công vào năm 2020. Do vậy, tỉnh kiến nghị Trung ương chấp thuận việc tỉnh thực hiện thu hồi đất và bố trí hơn 400 tỉ đồng làm hai tuyến giao thông kết nối với dự án.
Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Trung ương việc thực hiện rà phá bom mìn sớm để giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội với UBND tỉnh Đồng Nai.
Để đảm bảo mặt bằng sạch cho dự án, Đồng Nai đã thực hiện các bước để xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và khu tái định cư Bình Sơn vào tháng 9 tới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định, tỉnh Đồng Nai đã làm tốt và làm một cách minh bạch về công tác giải phóng mặt bằng. Xây dựng đường kết nối để phục vụ thi công sân bay là cần thiết và cần được làm trước. Đề nghị Đồng Nai nghiên cứu đẩy mạnh phát triển dịch vụ khi dự án sân bay đi vào hoạt động. Đoàn cũng đề nghị tỉnh này huy động thêm vốn làm đường dẫn vào sân bay từ các nguồn lực khác ngoài ngân sách.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nói dự án sân bay Long Thành có ý nghĩa lớn với sự phát triển của đất nước. Ông yêu cầu Đồng Nai phối hợp với các cơ quan Trung ương để giải quyết những vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ dự án.
Sân bay Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành (Đồng Nai), cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 43 km. Dự án có tổng diện tích hơn 5.500 ha, tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỉ đồng. Quy mô thiết kế 100 triệu hành khách/năm, 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Bộ GTVT cho biết tổng mức vốn giải phóng mặt bằng cho dự án này hơn 23.000 tỷ đồng (trên 1 tỉ USD). Trong đó, 18.000 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỉ đồngxây dựng khu tái định cư.
Ngoài ra, gần 480 tỉ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỉ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.