Kiến nghị cho phép người dân lựa chọn việc mua hay không mua chữ ký số

(PLO)- Thực hiện chữ ký điện tử cần có lộ trình triển khai hợp lý với tình hình thực tiễn, tránh tạo ra cơ chế để hình thành lợi ích nhóm, cũng như gây lãng phí cho người dân và doanh nghiệp. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiệp hội Ngân hàng vừa có văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc góp ý Dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.

Một trong những nội dung mà Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị đó là cho phép người dân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn quyết định việc mua hay không mua chữ ký số để thực hiện các loại giao dịch.

Đồng thời các đơn vị, tổ chức (gồm cả các Tổ chức tín dụng), nếu đáp ứng được các điều kiện quy định chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông thì được cung cấp dịch vụ này (không thu phí) khi giao dịch trên môi trường điện tử.

Chữ ký điện tử
Chữ ký điện tử. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét một số nội dung dưới đây trước khi ban hành Nghị định.

Thứ nhất, cho phép người dân và doanh nghiệp có quyền lựa chọn quyết định việc mua hay không mua chữ ký số để thực hiện các loại giao dịch.

Thứ hai, các đơn vị tổ chức nói chung và các Tổ chức tín dụng nói riêng, nếu đơn vị nào đáp ứng được các điều kiện quy định chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông thì được cung cấp dịch vụ này (không thu phí) khi giao dịch trên môi trường điện tử.

Thứ ba, xem xét lại Khoản 6 Điều 46 Dự thảo có cần thiết bổ sung không. Nếu bổ sung thì cần qui định rõ lộ trình chuyển tiếp với thời gian tối thiểu từ 3-5 năm để các đơn vị tổ chức có đủ thời gian chuẩn bị nâng cấp hệ thống.

Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông về Dự thảo Nghị định. Trong đó, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng việc Dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy là chưa phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023 (luật không cấm). Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức tín dụng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345/2024 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, kể từ ngày 1-7, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking. Ngoài ra, tất cả các giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên và tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày đều phải xác thực bằng sinh trắc học.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết: Sau khi áp dụng Quyết định 2345, số lượng giao dịch lừa đảo qua tài khoản ngân hàng cũng giảm rõ rệt. Chẳng hạn, trong tháng 8, số lượng giao dịch lừa đảo đã giảm 50% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024. Số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo gian lận được phát hiện chỉ còn 682 tài khoản, giảm 72% so với số lượng trung bình của 7 tháng đầu năm 2024. Điều này minh chứng hiệu quả rõ rệt của việc làm sạch dữ liệu tài khoản ngân hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm