Chữ ký điện tử có được thừa nhận khi giao dịch ngân hàng?

(PLO)- Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, nên các chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng khi ban hành luật này phải đảm bảo rõ ràng, minh bạch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) phối hợp với Nhóm công tác ngân hàng nước ngoài thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH cho biết: Sau 16 năm Luật Giao dịch điện tử được ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch điện tử, có tác động tích cực trong công cuộc chuyển đổi số của nền kinh tế và ngành ngân hàng. Trong thời gian qua, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là việc quan trọng và cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam nhanh hơn”.

Nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung

Đại diện các ngân hàng nhấn mạnh các nội dung về chữ ký điện tử, các biện pháp xác thực khác đã được triển khai trong thực tế như SMS, OTP, Token OsaTP, sinh trắc học… và đề nghị bổ sung quy định về tính pháp lý của các biện pháp này.

Đại diện của ngân hàng Quân đội (MB) nêu quan điểm: Luật Giao dịch điện tử đang chủ yếu đề cập và quy định đối với chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, trong khi thực tế các giao dịch của các ngân hàng đang được chấp nhận các biện pháp xác thực khác tùy theo loại giao dịch.

“Vậy, các giao dịch không được ký với chữ ký điện tử mà sử dụng các biện pháp xác thực theo Quy định 630/QĐ-NHNN thì tính pháp lý của các chứng từ giao dịch trong trường hợp này sẽ xác định như thế nào?”.

Do đó, đại diện MB nêu kiến nghị “cơ quan soạn thảo bổ sung quy định phù hợp với thực tiễn triển khai và quy định rõ ràng hơn về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử ngoài chữ ký số”.

Các ngân hàng cũng lo ngại một số quy định trong dự thảo Luật sửa đổi có thể ràng buộc thêm trách nhiệm pháp lý và chi phí cho các ngân hàng trong việc triển khai đặc biệt là chứng thực chữ ký điện tử nội bộ, chứng thực chữ ký, xác thực chữ ký, trách nhiệm báo cáo với cơ quan chủ quản. Việc sử dụng dịch vụ của bên thứ 3 cung cấp dịch vụ liên quan chữ ký điện tử, chứng thực điện tử hoặc các dịch vụ công khác sẽ tạo ra gánh nặng chi phí lớn.

Ngoài ra, ý kiến các TCTD cũng đề nghị rà soát quy định để ghi nhận chứng thư điện tử, chữ ký số từ đối tác nước ngoài. Dự thảo Luật sửa đổi không còn quy định phạm vi giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam nhưng cần có quy định về xác thực khách hàng, xác thực tính phù hợp, hợp pháp của các giao dịch đó và cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Chữ ký điện tử có được thừa nhận khi giao dịch ngân hàng? ảnh 1

Giao dịch thanh toán online ngày càng phát triển rộng rãi

Sẽ tiếp tục góp ý để hoàn thiện Luật

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, dự thảo luận hiện mới thừa nhận về tính pháp lý chữ ký số mà chưa công nhận chữ ký điện tử. Tuy nhiên thực tế hiện nay nhiều cá nhân chưa có chữ ký số nhưng đã có chữ ký điện tử do nhu cầu thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến.

Do đó, ông Lê Anh Dũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm bổ sung quy định về cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo cấp độ đó, để bảo đảm phù hợp với thực tiễn khi sử dụng chữ ký điện tử cũng như xác thực các giao dịch trên môi trường điện tử, cũng như tạo căn cứ để các ngành, lĩnh vực khác có các hướng dẫn cụ thể hơn.

Đồng thời, lãnh đoạ đại diện Vụ Thanh toán cũng đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN đề nghị nghiên cứu công nhận các xác nhận OTP và các xác nhận khác trên nền tảng công nghệ khác. Để tạo thuận lợi cho giao dịch xuyên biên giới trong đó có giao dịch bảo lãnh, cần thừa nhận chữ ký của đối tác nước ngoài, người không cư trú.

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Bắc cũng chỉ ra việc dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều khái niệm còn gây nhầm lẫn như: quy định chữ ký điện tử bao gồm cả con dấu dễ gây nhầm lẫn; có chỗ quy định văn bản giấy, có chỗ quy định văn bản khiến người đọc băn khoăn văn bản khác văn bản giấy ra sao… Do đó, ban soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh lại nhất quán, tránh gây nhầm lẫn và khó hiểu trong thực tiễn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Giao dịch điện tử đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Do đó, Luật sau khi ban hành phải đảm bảo rõ ràng, minh bạch cho mọi người hiểu đúng, tránh hiểu nhầm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm