Kiến nghị gia hạn cơ chế đặc thù với cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng

(PLO)- Bộ GTVT cho biết dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang gặp khó khăn về nguồn cát, nhiều nơi không có cát thi công.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong văn bản báo cáo Quốc hội (QH) tình hình triển khai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Bộ GTVT cho biết dự án đang gặp khó khăn về cát đắp nền đường nên kiến nghị QH gia hạn cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản cho các tỉnh thêm một năm.

Khởi công xong chờ… cát

Theo Bộ GTVT, sau khi được QH thông qua, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được Chính phủ giao cho bốn tỉnh triển khai là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Về công tác mặt bằng, đến cuối tháng 8-2023, các địa phương đã có 91% mặt bằng sạch. Hiện các tỉnh đang triển khai lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án và tiến hành di dời 310 vị trí công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại.

Đối với công tác xây dựng, dự án được khởi công vào giữa tháng 6-2023 nhưng chỉ triển khai ở 4/14 gói thầu và cũng chỉ ở bước tập kết máy móc thiết bị, xây dựng lán trại, làm đường công vụ... Những gói thầu còn lại vẫn đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Cũng chính vì vậy việc giải ngân dự án hạn chế, vốn được giao năm nay là 6.327 tỉ đồng nhưng đến hết tháng 8-2023 dự án mới giải ngân được 4.323 tỉ đồng, chỉ đạt 68%. Theo Bộ GTVT, khó khăn lớn nhất của dự án đến từ việc thiếu nguồn liệu đắp thông thường. Cụ thể, dự án này cần gần 30 triệu m3 cát đắp và 1,4 triệu m3 đất đắp nhưng các tỉnh đều không đáp ứng đủ.

Chẳng hạn, Cần Thơ và Hậu Gian, thiếu khoảng 12,3 triệu m3 cát cho hai dự án thành phần. Dù địa phương lân cận là An Giang thống nhất cung cấp cho hai tỉnh khoảng 7,5 triệu m3 từ mỏ Bình Phước Xuân và nhánh Cù lao Tây nhưng vẫn chưa đủ cho dự án. Thêm vào đó, việc thực hiện các thủ tục để khai thác cát tại các mỏ này hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc nên chưa thể khai thác để phục vụ thi công các gói thầu đã khởi công.

Còn tỉnh Sóc Trăng dù đã tìm ra nguồn cát nhưng địa phương vẫn trong quá trình hoàn thiện thủ tục để khai thác. Vì vậy nhà thầu không có cát để làm.

Khả quan nhất trong bốn tỉnh là An Giang, nguồn cát đủ trữ lượng, đáp ứng nhu cầu cho dự án. Tuy nhiên, một khó khăn khác đang ập đến, đó là khu vực ĐBSCL đang triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng nên nguồn cát tại An Giang phải điều phối để thực hiện đồng thời các dự án trọng điểm trong khu vực, ảnh hưởng đến trữ lượng cung cấp thực hiện dự án.

P9-Bai_vietlong_caotocchaudoc_h1 -thylan.jpg
Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được khởi công vào giữa tháng 6-2023. Ảnh: CHÂU ANH
P9-Bai_vietlong_caotocchaudoc_h2 -thylan.jpg
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Ảnh: CHÂU ANH

Kiến nghị gia hạn thêm một năm

Theo Bộ GTVT, dự báo được nguy cơ thiếu vật liệu xây dựng nên ngay từ đầu QH đã đồng thuận cho dự án này áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản phục vụ dự án nhằm rút ngắn thủ tục mở mỏ mới. Cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ TN&MT hướng dẫn các địa phương thực hiện các thủ tục để giao mỏ cho nhà thầu khai thác.

Song song đó, Thủ tướng cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, các địa phương, chủ đầu tư được giao khẩn trương triển khai thủ tục cấp mỏ, nâng công suất mỏ vật liệu một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thi công. Các nhà thầu cũng được giao phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng, hoàn thành các thủ tục để khai thác mỏ vật liệu trong tháng 10-2023.

Để hỗ trợ các địa phương, Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN&MT trực tiếp làm việc với từng địa phương và chủ đầu tư để tháo gỡ cơ chế giao mỏ cho nhà thầu. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng việc thiếu cát vẫn rất hiện hữu.

Với tiến độ mở các mỏ mới chậm như trên và việc QH ấn định thời gian hai năm (2022 và 2023) về cơ chế đặc thù, Bộ GTVT cho rằng hơi ngắn. Vì dự án được QH phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 60/2022 vào ngày 16-6-2022, cần tối thiểu một năm để chuẩn bị và khởi công dự án: “Như vậy, việc giao mỏ cho nhà thầu theo cơ chế chỉ còn khoảng sáu tháng để thực hiện…” - Bộ GTVT cho hay.

Do vậy, Bộ GTVT thừa ủy quyền Chính phủ kiến nghị QH cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024.•

Thử nghiệm cát biển đắp nền đường cho các dự án

Đại diện Bộ GTVT cho biết để giải quyết vấn đề lâu dài cho tình trạng thiếu cát, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT triển khai dự án “đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”, dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành.

Cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ động triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Hiện bộ đã thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến ĐT.978 thuộc dự án Hậu Giang - Cà Mau, đến nay đã đưa vào khai thác sử dụng, hiện đang tiếp tục theo dõi, quan trắc về chỉ tiêu môi trường, dự kiến cuối năm 2023 sẽ có kết quả đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm