KIẾN NGHỊ "ĐÁNH THUẾ TIỀN GỬI TIẾT KIỆM"

Kiến nghị không được xâm phạm lợi ích chung

Ông Lê Quang Bình nói: “Trước tiên cần phải khẳng định Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có quyền đưa ra các kiến nghị. Quyền này được quy định cụ thể tại khoản 9 Điều 23 Nghị định số 45/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội: “Hội có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển hội và lĩnh vực hội hoạt động”.

Biểu hiện lợi ích nhóm

. Nhiều người bất bình việc HoREA “nhảy vào” lĩnh vực kinh doanh của ngành nghề khác, có biểu hiện rõ ràng của “lợi ích nhóm”. Ông có nghĩ vậy không?

+ Căn cứ vào quy định trên, HoREA đưa ra kiến nghị là đúng. Có điều nội dung kiến nghị lại khá xa với lĩnh vực hoạt động bất động sản của HoREA. Sự chưa phù hợp của kiến nghị là ở chỗ này.

Bên cạnh đó, Nghị định 45/2010 cũng chỉ rõ: Các hội có quyền “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên trên cơ sở “không được lợi dụng hoạt động của hội để làm phương hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác”. Như vậy, các hội không được tùy tiện bảo vệ quyền và lợi ích của mình bằng mọi cách.

Kiến nghị không được xâm phạm lợi ích chung ảnh 1

Người dân sẽ không mặn mà gửi tiền tiết kiệm nếu bị đánh thuế. Ảnh: HTD

Kiến nghị của HoREA có đảm bảo được các yêu cầu trên hay không thì phải do cơ quan có thẩm quyền phán xét. Tuy nhiên, kiến nghị đó cho thấy HoREA đã đặt lợi ích của mình lên quá cao và chưa tính hết quyền lợi của những tổ chức và cá nhân khác. Đây là biểu hiện rõ ràng của “lợi ích nhóm”, mà cụ thể là lợi ích của một nhóm các cá nhân, tổ chức là hội viên hiệp hội này. Tôi không bình luận nhiều về khía cạnh kinh tế vì đó là lĩnh vực của các chuyên gia kinh tế. nhưng có thể thấy nếu được thực thi kiến nghị này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến ít nhất hai nhóm đối tượng là người gửi tiền và ngân hàng, tức là số lớn so với một nhóm nhỏ các doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM.

. Các hội nghề nghiệp khác có thể rút ra kinh nghiệm gì trong vụ này để các đề xuất của họ vừa đảm bảo được lợi ích của hội, vừa được sự đồng tình của xã hội?

+ Các hội cần đánh giá tổng thể kiến nghị của mình có tác động gì đến xã hội. Bởi có một điểm mà mọi người đều có thể dễ dàng nhận thấy là kiến nghị của HoREA đi ngược lại với các chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước trong quá trình thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Nếu đánh thuế tiền tiết kiệm thì việc gửi tiết kiệm sẽ không còn hấp dẫn nữa và người dân sẽ rút tiền ra khỏi ngân hàng. Khi đó, ngân hàng sẽ thiếu vốn cho vay sản xuất, kinh doanh và buộc phải tăng lãi suất huy động nhằm kéo người gửi tiết kiệm quay trở lại. Hệ quả tất yếu của việc tăng lãi suất huy động là lãi suất cho vay cũng tăng theo khiến lạm phát có thể sẽ tăng trở lại. Ngoài ra, khi chi phí đầu tư bị đẩy lên cao thì nguy cơ sản xuất bị đình đốn và thất nghiệp gia tăng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trên thực tế, hoạt động của một hiệp hội hay tổ chức dựa trên uy tín xã hội rất cao. Nếu HoREA hay bất cứ một hiệp hội nào chỉ khăng khăng bảo vệ lợi ích của mình bất chấp ảnh hưởng đến người khác sẽ gây ra phản cảm trong xã hội. Từ đó, những đề xuất chính sách của họ sẽ kém tác dụng. Bởi vậy, ngoài việc bảo vệ lợi ích trước mắt của thành viên, hiệp hội còn phải có tầm nhìn chiến lược và toàn diện, giúp thành viên tránh những “cú vấp”.

Phản biện là cần thiết

. Theo ông, dư luận có nên “ném đá” kiến nghị của HoREA?

+ Về bản chất, hiệp hội sinh ra để bảo vệ lợi ích của thành viên nên việc các kiến nghị có lợi cho thành viên là bình thường. Xã hội cũng không nên quá khắt khe hoặc lên án kiến nghị của HoREA. Điều quan trọng là kiến nghị của HoREA phải được phản biện bởi các chuyên gia độc lập hoặc các hiệp hội nghề nghiệp khác. Ví dụ, nếu chúng ta có hiệp hội những người gửi tiền tiết kiệm chẳng hạn, chắc chắn họ sẽ lên tiếng phản biện lại đề nghị của HoREA vì kiến nghị của HoREA ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người gửi tiền.

Nhìn rộng ra, trong một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần và một xã hội đa dạng thì việc có lợi ích nhóm khác nhau thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau là rất đỗi bình thường. Vấn đề mấu chốt là Nhà nước phải đảm bảo việc tự do lập hội và tự do thảo luận cho tất cả thành phần xã hội để họ có thể bảo vệ lợi ích của mình. Nếu không, những nhóm có nguồn lực sẽ câu kết và gây ảnh hưởng có lợi cho mình trong khi đó những người bị ảnh hưởng tiêu cực, thường là những người yếu thế, lại không có hiệp hội của mình để lên tiếng. Khi đó sẽ dẫn đến những bất bình đẳng và gây ra nhiều vấn đề xã hội khác.

. Ông có lưu ý gì về vai trò của báo chí đối với các đề xuất gây sốc?

+ Việc phản biện là tốt và cần thiết vì nó giúp mổ xẻ một kiến nghị chính sách dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Khi thông tin các ý kiến đa chiều, báo chí sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách và nhân dân có cái nhìn sâu hơn, toàn diện hơn. Các nhà hoạch định chính sách có cơ sở để cân nhắc, lựa chọn chính sách tốt nhất cho lợi ích chung, còn nhân dân biết thêm kiến thức và hiểu hơn về “ý chí” của các nhóm lợi ích.

Như vậy, nếu một hội nào đó chỉ vì lợi ích của mình mà quên lợi ích của nhóm khác hoặc lợi ích chung của xã hội sẽ không nhận được sự ủng hộ của quần chúng. Khi đó, họ cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách. Đây chính là sức ép để các hội dù có đại diện cho quyền lợi của một nhóm nhất định cũng phải tính đến lợi ích chung khi đưa ra kiến nghị nào đó.

. Xin cảm ơn ông.

ĐỖ HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm