Trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội tại hội trường, có 8 ĐBQH quan tâm đến các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhóm gọn thành 2 nhóm vấn đề để làm rõ những vấn đề đại biểu nêu.
Việc chuyển đổi công chức, viên chức giáo viên sang hợp đồng, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận gần đây dư luận xã hội rất quan tâm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Nhiều giáo viên còn có tâm lý vào biên chế để ổn định". Ảnh: CHÂN LUẬN
“Muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực với giáo viên là hết sức quan trọng. Thực tế với chế độ công chức, viên chức như hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Bất cập rất rõ là vấn đề tuyển dụng” - Bộ trưởng Nhạ nhận định.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, do công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp, việc tuyển dụng chưa phù hợp với nhu cầu môn học, đặc biệt là chuyên môn dẫn đến hiện tượng thừa, thiếu còn rất nhiều.
“Thêm nữa, còn nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế để ổn định. Rất khó khăn trong nâng cao kiến thức, phẩm chất năng lực đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy theo chương trình mới dẫn đến chất lượng giáo dục không cao” - Bộ trưởng Nhạ giải trình.
Tư lệnh ngành giáo dục cho biết: vấn đề này mới nghiên cứu đề xuất thí điểm để chuyển dần từ công chức, viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động. Trước hết sẽ thí điểm từ khu vực đại học và một số trường đủ điều kiện. Sau đó từng bước rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói đội ngũ nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới và ông kiên quyết loại những giáo viên không đạt yêu cầu. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Chúng tôi cho rằng đối với khu vực giáo viên và đội ngũ nhà giáo phải được đặc biệt đổi mới. Đây là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục, có từng bước đổi mới để thực hiện” - Bộ trưởng Nhạ nói.
Lấy Nghị quyết 29/2013 của Trung ương 8, khóa XI làm cơ sở cho giải trình, Bộ trưởng Nhạ cho rằng năng lực đội ngũ giáo viên, nhà giáo phải căn cứ vào đóng góp về kết quả và năng lực phẩm chất.
“Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên chưa đạt, không đạt yêu cầu mới” - Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Nhận định rằng đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng không thể không làm, Bộ trưởng Nhạ nói vấn đề này cần nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình thực hiện một cách căn cơ, thí điểm ở khu vực đại học.
“Gần đây chúng tôi đã trao đổi với các đơn vị, các nơi, các sở về chủ trương này được nhất trí và dư luận xã hội cũng rất quan tâm và đồng hành. Điều quan trọng là lộ trình, bước đi như thế nào cho nó phù hợp với điều kiện của các cơ sở và tâm lý của giáo viên” - Bộ trưởng Nhạ kết thúc 7 phút giải trình.
Bạo lực học đường: Sẽ có nghị định điều chỉnh Trước đó, có đại biểu đề cập về vấn đề giáo dục thể chất và dẫn kinh nghiệm của Nhật Bản từ những năm 1950 khi quan tâm đến giáo dục để nâng chiều cao của người Nhật Bản. Bộ trưởng Nhạ giải trình: “Về chính sách giáo dục thể chất, gần đây Bộ đã tham mưu với Chính phủ thành lập Vụ Giáo dục thể chất để chăm lo điều kiện cho học sinh”. Đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường và cho rằng đây là vấn đề nhức nhối. Bộ trưởng Nhạ giải trình: “Về bạo lực học đường, chúng tôi đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về môi trường an toàn học sinh, đang thực hiện các kế hoạch với trung ương đoàn, các cơ sở giáo dục, địa phương, bộ ngành liên quan để giảm thiểu. Nay mai sẽ ban hành nghị định”. |