23.000 tỉ đồng là con số cần có để thực hiện dự án này trong khi Quốc hội mới bố trí được 5.000 tỉ đồng từ vốn đầu tư trung hạn. Ông Phạm Minh Chính ngoài việc đề ra giải pháp xin cơ chế đặc biệt còn nhấn mạnh: “Phải tinh giản biên chế để thực hiện dự án này” và kêu gọi tiết kiệm chi tiêu trên cả nước.
Giải pháp bất ngờ này đến từ một người không chỉ là trưởng Ban Tổ chức Trung ương mà còn xuất phát từ kinh nghiệm thời ông Chính làm bí thư Quảng Ninh.
Cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy cũng chính là một trong những công việc mà ông Chính tiến hành thí điểm khá thành công ở Quảng Ninh. Như ông tính toán sơ bộ tại nghị trường, nếu trong hai năm chỉ cần tiết kiệm được 1% chi tiêu thì đã có hơn 20.000 tỉ đồng, đủ để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.
Làm công tác tổ chức của Đảng, hẳn ông Chính hiểu bộ máy hiện nay cồng kềnh thế nào. Theo ông, đang có tình trạng càng tinh giản thì biên chế càng tăng lên. Và càng cồng kềnh thì chi thường xuyên càng tăng lên, như ông thông tin năm 2017 chi thường xuyên sẽ chiếm tới 64,9% tổng chi ngân sách.
Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân thay mặt Chính phủ báo cáo trước đoàn giám sát về cải cách bộ máy hành chính cũng cho biết chỉ 11 địa phương thôi đã sử dụng vượt gần 8.000 biên chế. Và chỉ riêng quỹ lương, phụ cấp cán bộ cấp xã trên cả nước đã là hơn 32.404 tỉ đồng. Nếu tính cả cấp huyện, cấp tỉnh, các bộ, ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập thì con số sẽ là bao nhiêu? Mỗi người đều có thể mường tượng ra câu trả lời.
Nhưng không chỉ có vậy, một ĐB còn nói: Nếu chống được tỉ lệ thất thoát 30% trong đầu tư công thì vốn cho sân bay Long Thành không là vấn đề. Ấy là chưa kể tới những công trình ngàn tỉ đồng trùm mền, đắp chiếu rải rác khắp đất nước này. Cộng thêm tham nhũng, lãng phí đang trở thành một vấn nạn mà Đảng và Nhà nước ra sức chống thì quả thật vốn liếng cho những công trình tiêu biểu như sân bay Long Thành không đến nỗi bí bách.
Đến khi nào những giải pháp như của ông Phạm Minh Chính và các ĐB khác đưa ra được thực thi triệt để, có lẽ đến khi đó nguồn lực của quốc gia mới được thực sự giải phóng và trở thành động lực cho phát triển.