Đó là những gì đọng lại sau phiên thảo luận tại hội trường về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chiều 8-6.
Vẫn là câu hỏi “Tiền đâu?”
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) ví von sân bay Long Thành và sân Nội Bài phải là hình tượng tiêu biểu Việt Nam hội nhập, hiện đại. Ông Thể đồng tình việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như một dự án thành phần.
“5000 ha giải phóng mặt bằng vướng rất nhiều hộ dân và phát sinh nhiều vấn đề. Nếu không giám sát thì sẽ rất chậm” ông Thể nói. Và mặc dù không lo với 5000 tỉ đã được bố trí để giải phóng mặt bằng, nhưng ông Thể cho rằng nếu không có 25.000 - 30.000 tỉ thì khó.
Dự án thành phần này cần 23.000 tỉ, nhưng đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đặt câu hỏi: “Số tiền 23.000 tỷ đã là con số cuối cùng thu hồi đất GPMB hay chưa?”. Bởi theo ông Cảnh, giá đất thì biến động trong khi nguồn lực thì có hạn.
Chung nỗi niềm này, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) nhận định: riêng việc biến động kinh phí lên tới 23.0000 tỉ sau hai năm Nghị quyết 94 của Quốc hội khóa XIII ra đời đã là vấn đề. “Với quy mô 5000 ha GPMB thì cần phải dùng ngân sách vì khó huy động được nguồn ODA và xã hội hóa. Vậy có gây tác động xấu đến nợ công hay không. Giải trình của Chính phủ nói có thể hoàn trả một phần từ nguồn thu đấu giá. Nhưng vấn đề này chưa có gì chắc chắn”- đại biểu Hoa thẳng thắn.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn để thực hiện dự án thành phần này cũng như những biến động có thể sẽ làm cho dự toán ban đầu của Chính phủ không đi đúng hướng.
Trước những băn khoăn ấy, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính, đại biểu tỉnh Quảng Ninh đứng lên tranh luận. Nhưng thực tế thì ông Chính đưa ra giải pháp.
“Cần nghiên cứu 2 giải pháp hiệu quả: xin cơ chế đặc biệt cho giải phóng mặt bằng và tiết kiệm chi thường xuyên trên cả nước”, ông Chính nói và nhấn mạnh hơn đến việc tinh giản biên chế để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên.
Theo ông, năm 2017, 2018, nếu mỗi năm tiết kiệm chi tiêu thường xuyên 1% thì đã đủ 23.000 tỉ để giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành. “Loay hoay gì khi chính chúng ta cùng nhau giảm biên chế, giảm đầu mối theo tinh thần Nghị quyết 39 và chỉ cần hai năm là chúng ta đủ được nguồn vốn theo báo cáo của Chính phủ cung cấp cho chúng tôi”, ông Chính kết luận.
Ý kiến này của ông Chính sau đó được rất nhiều đại biểu đồng tình.
Cần chuẩn bị những tình huống phát sinh
Ngoài những băn khoăn trên, các đại biểu cũng đề cập đến những vấn đề phát sinh khi giải phóng mặt bằng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh đồng tình với việc cân nhắc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuy vậy, bà lưu ý: Việc thực hiện dự án sân bay Long Thành, với mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất làm sao cho hợp lòng dân, cho tiết kiệm nhất, nhất là tiết kiệm nguồn lực đất đai.
Lấy kinh nghiệm từ TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: “Hiện nay, người dân TP.HCM vẫn chưa yên tâm, vẫn rất bất bình về cách mà chúng ta sử dụng đất trong khuôn viên của sân bay, mặc dù chúng ta rất tích cực nhưng rõ ràng là còn có những vấn đề tính khả thi chưa cao, tính minh bạch chưa tốt, sự đồng thuận trong nhân dân”.
Trở lại với dự án thành phần được tách ra khỏi dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: nếu sau khi QH thông qua nội dung trên, đất được thu hồi nhưng dự án không được triển khai thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng là rất lớn. Bà Tâm đề nghị phải đưa vấn đề trên vào nghị quyết và các cơ quan của Quốc hội phải giám sát chặt chẽ vấn đề trên.
Đặc biệt, bà Tâm đề nghị Quốc hội và Chính phủ giải phóng mặt bằng một lần để ổn định cuộc sống cho người dân, có đất sạch thuận lợi thực hiện dự án.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói rằng: dự án này không còn đường lùi, vì Quốc hội khóa XIII đã ra nghị quyết. Ông Thịnh nói cần phải sẵn sàng chuẩn bị cho những tình huống phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng. “Vì đó là những chuyện hết sức bình thường”, ông Thịnh nhận định.
Mong đại biểu tin tưởng, ủng hộ Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa bày tỏ: Xuất phát từ nhu cầu ngành hàng không, sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, thì dự án này đã được bàn kỹ và Quốc hội khóa XIII đã thông qua chủ trương sau khi xem xét thận trọng. Theo Bộ trưởng, phương án song song là nâng cấp và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy vậy, Bộ trưởng Nghĩa cho hay: dù được mở rộng và nâng cấp thì đến năm 2022 Tân Sơn Nhất lại quá tải, không đảm đương tăng trưởng được. “Nên sân bay Long Thành đến 2025 đúng như dự kiến sẽ là một nhu cầu hết sức cấp bách. Mong các ĐBQH ủng hộ để sớm thực hiện dự án này. Các ĐB yên tâm rằng báo cáo nghiên cứu khả thi và phương án đầu tư sân bay Long Thành sẽ là phương án chúng ta phải thực hiện, vì nhu cầu thực sự”- Bộ trưởng Nghĩa nói. |