Do các tài sản này đang thế chấp tại ngân hàng nên hai bên chưa ký hợp đồng mua bán. Sau đó, bà L. đã giao đủ 9,5 tỉ đồng tiền đặt cọc cho vợ chồng ông H. Vợ chồng ông H. có viết giấy thừa nhận bà L. đã giao cho họ 9,5 tỉ đồng.
Ba tháng sau, hai bên ký hợp đồng sang nhượng nhà máy giá 17 tỉ đồng dưới sự chứng kiến của giám đốc chi nhánh ngân hàng nơi tài sản đang thế chấp. Hợp đồng ghi rõ bà L. sẽ trả thay vợ chồng ông H. số nợ mà họ còn thiếu tại ngân hàng. Hồ sơ vụ án có một số giấy tờ thể hiện vợ chồng ông H. đã chuyển nhượng cho mẹ con bà L. 100% phần vốn góp trong công ty. Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tây Ninh cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế sửa đổi cho công ty, trong đó thể hiện bà L. là chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc công ty, thành viên góp vốn là mẹ con bà L. Trên thực tế, bà L. cũng đã đưa công ty vào vận hành.
Đùng một cái, vợ chồng ông H. kiện bà L. ra tòa để đòi lại công ty cùng toàn bộ tài sản. “Chứng cứ” nguyên đơn xuất trình là văn bản đánh máy có chữ ký được cho là của bà L. cùng dấu mộc công ty. Nội dung văn bản này thể hiện tất cả hợp đồng, giấy tờ chuyển nhượng vốn... các bên lập trước đây đều là giả tạo hòng giúp vợ chồng ông H. vay vốn để vực dậy công ty đang làm ăn xuống dốc.
Không đồng ý, bà L. yêu cầu giám định văn bản nêu trên nhưng kết quả đi ngược lại quyền lợi của bà L.
Tháng 5-2011, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên hủy hợp đồng sang nhượng nhà máy, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà bà L. đứng tên.
Vụ án còn nhiều điểm khuất tất chưa được xác minh làm rõ. Hiện bà L. đã nộp đơn xin giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh. Một “kinh nghiệm vàng” mọi người cần rút ra từ vụ án này chính là chữ ký trong giao dịch. Hồ sơ vụ án cho thấy chữ ký của bà L. trong các giấy tờ vô cùng đơn giản, chỉ có vài nét, ai nhìn vào cũng có thể dễ dàng bắt chước. Bảo vệ mình bằng một chữ ký có đặc điểm riêng, thậm chí hơi lắt léo một chút là điều rất cần thiết vì cuộc sống không ai học hết được chữ ngờ. |
THANH LÂM
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172)