Tuy nhiên, T. lại lấy chồng và hắt hủi không cho bà ở chung nhà. Vì vậy, bà kiện đòi con dâu cũ trả lại 2.000 m2 đất cho bà.
Bà T. trình bày rằng mẹ chồng mình đã ra ở riêng trước khi chồng mình mất. Bà cũng không hắt hủi bà L. Việc bà L. cho đất là hoàn toàn tự nguyện. Số tiền cất nhà là tiền của mẹ ruột bà cho chứ không phải của mẹ chồng. Vì vậy, bà không đồng ý trả đất cho mẹ chồng nhưng nói sẽ giao lại đất cho con mình (tức là cháu nội của bà L.) khi bé đủ 18 tuổi.
Tháng 1-2010, TAND huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương) sơ thẩm vụ án, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi đất của bà L. Theo cấp sơ thẩm, hợp đồng tặng cho đất giữa bà L. và bà T. có xác nhận của UBND xã. Sau đó, bà T. được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc tặng cho đất nói trên là hoàn toàn tự nguyện, do các bên thỏa thuận. Hình thức và nội dung của hợp đồng phù hợp quy định pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Bà L. cho rằng việc tặng cho đất có kèm điều kiện là bà T. chăm sóc, phụng dưỡng bà nhưng bà lại không có tài liệu chứng minh. Vì vậy, yêu cầu của bà L. không có cơ sở để chấp nhận.
Phúc thẩm vụ án, TAND tỉnh Bình Dương bác kháng cáo của bà L., giữ nguyên bản án sơ thẩm.
KINH NGHIỆM PHÁP LÝ: Điều 470 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về tặng cho tài sản có điều kiện. Theo đó, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Bà L. khẳng định việc tặng cho đất của mình là có điều kiện nhưng lại không có chứng cứ chứng minh. Trong khi đó, hợp đồng tặng cho được lập hợp pháp cả về hình thức lẫn nội dung nên bà L. khó lòng đòi lại đất. |
KIM PHỤNG
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 160)