Sáng 28-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến, góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động TP.
Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn rất quan trọng. Ảnh: L.THOA
Tại đây, nhiều ý kiến xoay quanh việc thu, sử dụng 2% kinh phí công đoàn. Đa số đều tán thành việc thu 2% kinh phí công đoàn, cũng như phương án một của Điều 27 về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Theo đó, kinh phí này sẽ do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%; 75% còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Luật sư (LS) Trương Thị Hòa cho rằng, kinh phí công đoàn là nguồn đảm bảo hoạt động của công đoàn. LS Hòa đồng tình với phương án một của Điều 27 về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Tuy nhiên bà cho rằng phải đảm bảo công khai, minh bạch hơn nữa.
LS Hòa cũng băn khoăn đối với trường hợp các doanh nghiệp không có công đoàn cơ sở thì việc đóng 2% kinh phí này sẽ được thực hiện ra sao, công đoàn cấp trên trực tiếp phải bảo vệ quyền lợi của người lao động như thế nào?
“Việc chi xài 2% này rất quan trọng, mà nhiều doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn cơ sở” – LS Hòa nói và khẳng định việc thu, quản lý, sử dụng 2% kinh phí công đoàn này là vấn đề rất lớn.
Ông Mai Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động quận Bình Tân nêu vấn đề: “Các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì kinh phí công đoàn do cấp trên giữ lại. Tuy nhiên có những đơn vị sau khi đóng kinh phí này thì giải thể, mà chúng ta lại chưa có hướng dẫn về nguồn kinh phí này”.
Bà Trần Thị Bích Thuận, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp cho biết kinh phí công đoàn hiện đang được giữ lại nhiều do doanh nghiệp giải thể. Ảnh: L.THOA
Bà Trần Thị Bích Thuận, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp cũng cho biết quận này đang gặp vướng về nguồn kinh phí công đoàn đối với những nơi chưa có tổ chức công đoàn.
"Thực ra nguồn kinh phí này hiện nay mình đang giữ lại rất nhiều, rất muốn chăm lo nhưng nhiều trường hợp doanh nghiệp giải thể, mình rất khó liên lạc" - bà Thuận nói.
“Chúng tôi rất muốn chăm lo nên phải xuống tận nơi nắm số lượng, danh sách, trường hợp nào liên hệ được thì mời lên chăm lo. Tuy nhiên nhiều trường hợp người lao động đi về quê, đi tìm việc làm khác, không có nhu cầu, rất nhiều lý do….” – bà Thuận phân tích.
Bà Ung Thị Xuân Hương, đại diện Hội Luật gia TP.HCM đề nghị nên giảm kinh phí công đoàn. Ảnh: L.THOA
Bà Ung Thị Xuân Hương, đại diện Hội Luật gia TP.HCM lại có góp ý nên giảm kinh phí công đoàn lại một nửa để giảm áp lực cho doanh nghiệp vì có doanh nghiệp đóng cả 10 tỉ đồng/năm, như vậy là quá lớn.
Trước thông tin về nguồn tài chính 29.000 tỉ đồng gửi ngân hàng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, bà Hương cũng bày tỏ băn khoăn, đề nghị phải chăng nên giảm tỉ lệ phần trăm trong kinh phí công đoàn phải nộp lên cấp trên.
Ông Liên Ngọc Sơn, đại diện công đoàn công ty Vĩnh Dương cho rằng, từ khi có nguồn từ 2% kinh phí công đoàn thì tổ chức công đoàn cơ sở đã hoạt động tốt hơn, có điều kiện chăm lo tốt hơn cho người lao động.
“Có thể do đặc thù ở mỗi tổ chức công đoàn cơ sở, nên có nơi nói không đủ, có nơi nói thừa” – ông Sơn nói.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM nhìn nhận việc sửa đổi, bổ sung giúp Luật Công đoàn có khung pháp lý mạnh hơn, thực hiện tốt hơn chức năng vai trò của mình.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM khẳng định kinh phí công đoàn là đảm bảo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Ảnh: L.THOA
Về vấn đề kinh phí công đoàn 2%, ông Trung khẳng định đây không chỉ là kinh phí để hoạt động công đoàn mà về bản chất, đây là cơ sở vật chất đảm bảo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
“Kinh phí 2% này là để thực hiện mục tiêu đó và mục tiêu đó đã được chứng minh từ năm 2018 đến giờ. Nếu không có nguồn kinh phí để thực hiện các công việc đại diện, bảo vệ và chăm lo thì có lẽ vấn đề quan hệ lao động ít nhất là tại TP.HCM không diễn ra suôn sẻ như thế này” – ông Trung nói.
Ông Trung cho biết hiệu quả của 2% kinh phí công đoàn này là đã giải quyết các câu chuyện: Tranh chấp trong quan hệ lao động, chủ bỏ trốn, thu hẹp điều chỉnh sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo cho người lao động, giải quyết người lao động nhập cư,…
Muốn họp công đoàn cũng khó khăn Ông Nguyễn Đình Cường, Chủ tịch Liên đoàn lao động quận Thủ Đức, cho biết điều kiện để công đoàn cơ sở hoạt động hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Kể cả việc công đoàn viên ở các doanh nghiệp muốn tham gia hội họp do công đoàn cấp trên tổ chức là cả một vấn đề. Bởi muốn đi họp phải có thư mời và được sự đồng ý của người sử dụng lao động thì mới được đi.
“Trên thực tiễn nếu doanh nghiệp nói không cho đi thì anh em sao dám đi họp” – ông Cường nói. Ông cũng đề nghị Luật Công đoàn phải có biện pháp chế tài đối với các doanh nghiệp cản trở việc thành lập tổ chức công đoàn. “Thậm chí họ dùng đủ mọi cách trì hoãn việc thành lập tổ chức công đoàn…. Đến nỗi khi chúng tôi đi xuống tuyên truyền vận động nhiều lần, người lao động đã đồng tình làm đơn xin gia nhập vào tổ chức công đoàn nhưng không hiểu sao 2-3 ngày sau thì doanh nghiệp báo lên rằng người lao động ngày đêm suy nghĩ rồi không tham gia nữa” – ông Cường kể. |