Kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 còn dư sẽ xử lý như thế nào?

(PLO)- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, tổng nguồn kinh phí ủng hộ phòng, chống dịch còn dư 932 tỉ đồng. 

Sáng 29-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.

Hội nghị được tổ chức để nhìn lại chặng đường hơn 3 năm nỗ lực chống COVID-19, đại dịch ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 12-2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - cho hay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động, huy động các nguồn lực xã hội. Kết quả, tổng số tiền mặt và hiện vật ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng từ cấp trung ương, tại địa phương huy động được trên 15.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch lần đầu xuất hiện, chưa có tiền lệ, yêu cầu chống dịch phải nhanh chóng, do đó quá trình vận động, quản lý, phân bổ nguồn lực cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt các căn cứ pháp lý.

Vì vậy, sau khi đại dịch lắng xuống, cơ quan kiểm tra Đảng và kiểm toán của Nhà nước đã làm việc, một số nơi đã xảy ra sai sót.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - nêu 2 kiến nghị với Thủ tướng về nguồn kinh phí chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ thực tế đó, bà Hà xin được nêu 2 kiến nghị, đề xuất. Một là về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước với việc thu hồi nguồn vận động để nộp quỹ vaccine, bà Hà đề nghị Thủ tướng cho phép các khoản địa phương đã chi từ nguồn vận động của địa phương không phải thu hồi để nộp về quỹ vaccine.

Thứ hai, với nguồn kinh phí phòng, chống dịch còn dư (ở trung ương còn dư 118 tỉ đồng, ở địa phương còn dư 814 tỉ), đại diện Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Thủ tướng theo hướng rà soát, nếu không còn nội dung hỗ trợ thì chuyển toàn bộ kinh phí này về trung ương theo quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

"Có nghĩa sử dụng tiếp cho các đợt sau và các việc liên quan đến thiên tai, sự cố, dịch bệnh; còn ở các địa phương thì trực tiếp sử dụng", bà Hà kiến nghị.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp các cơ quan tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị và báo cáo của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, xây dựng bộ tài liệu tương đối hoàn chỉnh phản ánh quá trình phòng chống dịch, đúc rút các bài học kinh nghiệm, làm tốt công tác tuyên truyền để có khả năng thích ứng linh hoạt, hiệu quả với các tình huống có thể xảy ra trong tương lai.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, yêu cầu tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch COVID-19, hậu quả đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành.

Tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vắc xin, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới