Dù liên tục chịu nhiều áp lực từ lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu cũng như đồng USD tăng mạnh nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, những rủi ro gây nhiều biến động cho kinh tế vĩ mô vẫn còn ở phía trước.
Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa phát hành, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo năm 2022 tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ vào khoảng 3,2%. Bước sang năm 2023, sự suy thoái kinh tế có thể sẽ diễn ra trên diện rộng khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và rớt xuống 2%.
Những triển vọng xấu đi của kinh tế toàn cầu nằm ở các tính toán sai lầm về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát. Bên cạnh đó là các cú sốc về giá năng lượng và lương thực, cùng tình trạng khó khăn về nợ của thị trường mới nổi...
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại một công ty (vốn đầu tư của Anh) ở Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang. Ảnh: TTXVN |
“Dù đối diện với những bất định, chúng tôi đánh giá khu vực Đông Nam Á vẫn có khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ. Riêng Việt Nam, quốc gia đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng GDP có thể đạt 7% trong năm 2022” - IMF nhận định.
Thực tế GDP của Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với quý III-2022 tăng 13,67%, góp phần đưa mức tăng trưởng lũy kế chín tháng đầu năm là 8,83%. Theo TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), Việt Nam đang phục hồi kinh tế với tốc độ cao. Nếu nhìn về tăng trưởng theo quý, Việt Nam chưa từng chạm mức tăng trưởng hai con số như quý III-2022.
Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam dựa vào thị trường nội địa. Cùng với đó là quyết tâm mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách trong việc duy trì nền kinh tế vĩ mô ổn định, giúp Việt Nam trở thành “vùng an toàn kinh tế” trong các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Đánh giá sâu hơn, ông Michael Kokalari cho rằng một phần của sự tăng trưởng ấn tượng là do cùng kỳ tăng trưởng GDP rớt xuống mức thấp do tác động của dịch bệnh. Nhưng quan trọng hơn tiêu dùng nội địa ở Việt Nam đã tăng liên tục kể từ đầu năm nay. Tiếp theo, sản xuất chiếm hơn 20% GDP của Việt Nam dù bị ảnh hưởng bởi cầu yếu của kinh tế thế giới nhưng sản lượng sản xuất của Việt Nam đã tăng 10,7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng sản lượng sản xuất của Việt Nam được hỗ trợ bởi sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam. Cuối cùng, Chính phủ đang tăng tốc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cũng đã hỗ trợ cho tăng trưởng GDP.
Một lý do nữa khiến nền kinh tế Việt Nam vượt trội là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, đồng thời thúc đẩy tăng cường mức độ phức tạp của các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Ví dụ kế hoạch của ông lớn Apple và Samsung sản xuất một số sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất tại Việt Nam sẽ thúc đẩy đáng kể tăng trưởng GDP trong những năm tới. Nó cũng góp phần đảm bảo rằng sự tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm 2022, mà còn sẽ duy trì trong năm 2023.
Vẫn còn nhiều sức ép
Với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam thì sự biến động của kinh tế toàn cầu cũng tạo ra những sức ép đáng kể. TS Vũ Đình Ánh phân tích: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 200% GDP, thuộc nhóm cao trên thế giới. Dòng vốn FDI đang đóng góp vào tổng vốn đầu tư xã hội trên dưới 1/4 và đóng góp 1/5 GDP của Việt Nam. Nói cách khác, đây là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế, chưa kể FDI chiếm tỉ trọng lớn về sản lượng chế biến, chế tạo lẫn kim ngạch xuất khẩu.
“Có thể thấy độ mở kinh tế Việt Nam rất cao sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức trước biến động kinh tế toàn cầu. Áp lực lạm phát khiến nhiều nước trên thế giới đang tăng lãi suất cơ bản và đẩy hàng loạt đồng tiền mất giá so với đồng USD, trong đó có đồng tiền Việt Nam” - TS Ánh đánh giá.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cũng cho rằng giá trị đồng USD tăng cao gây ra xáo trộn dòng vốn trên toàn cầu, cũng như làm thay đổi trật tự thị trường tài chính tiền tệ thế giới trong thời gian tới gắn với bối cảnh lạm phát và suy thoái. Đặc biệt các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế lớn tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, càng làm phức tạp thêm cho Việt Nam trong việc ổn định tỉ giá, lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh.
Chiến sự Nga và Ukraine chưa sớm kết thúc tiếp tục gây ra sự suy giảm mạnh của hoạt động kinh tế ở châu Âu, khiến giảm nhu cầu với hàng xuất khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Trên thế giới đã xuất hiện việc hủy khá nhiều đơn hàng do các hợp đồng bị dừng lại và do không có hàng hóa vận chuyển. Thực tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng đã có tín hiệu cảnh báo cho thấy đơn hàng đã giảm trong quý IV-2022.
“Nhưng nếu mặt hàng thiết yếu có độ co giãn ít với giá thì vẫn xuất khẩu tốt, ngược lại mặt hàng xa xỉ, cao cấp, không phải mặt hàng thiết yếu bắt buộc phải tiêu dùng thì việc xuất khẩu khó khăn hơn. Đây là điều mà các nhà xuất khẩu cần chú ý để điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh” - ông Hải nói.
Người hưởng lợi, kẻ chịu thiệt khi USD tăng mạnh
Đánh giá về áp lực tăng tỉ giá USD/VND trong thời gian gần đây, ông Cao Việt Hùng, Trưởng bộ phận phân tích tài chính Công ty Chứng khoán ACBS, nhìn nhận: Khi tỉ giá tăng thì các công ty vay nợ bằng đồng USD sẽ chịu tác động mạnh vì chịu lỗ tỉ giá và chi phí lãi vay trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, các công ty nhập khẩu các mặt hàng như bông, hóa chất, nhựa máy móc thiết bị… từ Mỹ cũng chịu tác động trực tiếp khi mà chi phí nhập khẩu tăng lên theo biến động của tỉ giá.
Ngược lại, đối với các công ty xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng như dệt may, thủy sản… sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh đồng USD tăng cao như hiện nay.
Riêng những công ty xuất khẩu sang các thị trường thuộc khu vực châu Âu, Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, thâm hụt nguồn thu. Lý do đồng Việt Nam giảm so với USD nhưng lại tăng giá so với các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có đồng euro và yen Nhật.