Ngày hôm qua (21-3), giá xăng A95 trong nước giảm 630 đồng/lít còn 29.192 đồng/lít; xăng E5 giảm 655 đồng/lít còn 28.330 đồng/lít.
Mức giảm giá quá ít này đã gây bất ngờ và bức xúc cho người tiêu dùng vì không giảm tương ứng giá thế giới. Nếu xét theo tỉ lệ % thì giá xăng chỉ giảm 2,1%.
Trong khi đó, đến ngày điều chỉnh giá xăng 21-3, dù giá dầu thô toàn cầu vẫn duy trì trên 100 USD/thùng nhưng so với kỳ điều chỉnh ngày 11-3 thì giá dầu đã giảm mạnh trên 20%.
Theo lý giải của liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới 10 ngày qua giảm. Cụ thể, xăng RON92 dùng để pha chế E5 RON 92 giảm hơn 7,8%; xăng RON 95 giảm 7,3%/thùng, dầu diesel giảm trên 15,7%/thùng nhưng giá dầu thế giới vài ngày qua tăng trở lại.
Do đó, để có dư địa điều hành trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, liên Bộ quyết định đưa ra mức giảm giá xăng A95 chỉ 630 đồng/lít, đồng thời giảm chi sử dụng Quỹ bình ổn, thêm trích lập quỹ với một số mặt hàng.
Việc này nhằm để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng thế giới và giảm áp lực cho Quỹ bình ổn vốn đã âm tại 13 doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, rõ ràng người tiêu dùng đang chịu thiệt với cách tính này. Có nghĩa rằng, người tiêu dùng phải gánh số tiền cho các quỹ bất chấp việc giá dầu đã giảm. Trong khi đó, vào kỳ điều chỉnh ngày 11-3, giá xăng trong nước tăng gần 3.000 đồng/lít để bám sát kịp giá dầu đã vượt trên 130 USD/thùng.
Mặt khác, cũng không thể dựa vào vài ngày cuối kỳ điều chỉnh 21-3 nói rằng vì giá dầu thô toàn cầu tăng nên giá xăng trong nước chưa thể giảm mạnh, bởi vì giá dầu thô toàn cầu liên tục biến động thì giá xăng cần phải dựa trên giá bình quân trong 10 ngày qua.
"Người tiêu dùng có lẽ chỉ còn chờ kỳ điều chỉnh ngày 1-4 đến, khi đó giá xăng sẽ giảm nếu đề xuất giảm 50 % thuế bảo vệ môi trường được thông qua. Cụ thể, nếu đề xuất của Chính phủ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thì giá xăng sẽ giảm 2.200 đồng/lít (gồm cả thuế giá trị gia tăng) và giá dầu cũng sẽ được điều chỉnh 1.100 đồng/lít" - một chuyên gia nói.
Theo Gas Petrol Price, sau khi Việt Nam điều chỉnh giá xăng thì giá xăng Việt Nam nằm ở vị trí thứ 80 trong số những nước có giá xăng đắt nhất thế giới. Trong kỳ điều chỉnh trước, Việt Nam đứng thứ 97.
Phiên giao dịch hôm nay (22-3), giá dầu thô toàn cầu vẫn ở mức cao. Theo đó, giá dầu Brent là 118,8 USD/thùng, dầu WTI là 114,8 USD và dầu OPEC là 105 USD.