Sau khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các nhà bán lẻ kỳ vọng thị trường sẽ nhanh chóng khôi phục. Để thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ tăng đầu tư công nghệ bán lẻ đa kênh nhằm tìm kiếm thêm khách hàng mới, tiết kiệm chi phí, nhân lực và tiện lợi giao dịch phục vụ khách hàng.
Khách hàng đi siêu thị chọn món tự động, thanh toán tự động và tự đóng gói theo ý mình.
Đi siêu thị “tự động”
Saigon Co.op, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đã khai trương mô hình siêu thị cao cấp Finelife. Đây là mô hình siêu thị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ E-label điều chỉnh giá tự động, đặc biệt có quầy tính tiền cho khách tự thanh toán giống như ở một số siêu thị hàng đầu thế giới.
Không chỉ vậy, Saigon Co.op còn phát triển thêm nhiều cách thức thanh toán tiện lợi mới, phù hợp với xu hướng không sử dụng tiền mặt. Chẳng hạn, nhà bán lẻ này dự kiến sẽ tung ra loại thẻ ATM thay thế các phiếu mua hàng truyền thống. Như vậy, khách không cần phải mua hết số tiền trong thẻ như với các phiếu mua hàng trước đây mà có thể sử dụng theo nhu cầu.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết năm 2021, đơn vị tập trung đa dạng hóa các kênh mua sắm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp với nhiều đơn vị thương mại điện tử thực hiện đa dạng chương trình kích cầu hàng Việt trên ứng dụng điện tử. Ngoài ra, nhà bán lẻ này có tham vọng tăng gần gấp đôi số lượng siêu thị hiện tại để hướng đến mục tiêu vượt 1.000 điểm bán trên toàn quốc.
Tương tự, siêu thị AEON Tân Phú cũng triển khai máy thanh toán tự động ứng dụng công nghệ để gia tăng tiện ích cho khách hàng. Theo đó, máy chọn món tự động hoạt động tựa như một chiếc smartphone cỡ lớn, giúp thực khách dễ dàng chọn món mà mình yêu thích. Người tiêu dùng có thể chọn phương thức thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử trên máy thanh toán tự động và tiến hành thanh toán.
Đại diện AEON Việt Nam cho biết máy thanh toán tự động không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tinh gọn các bước thanh toán, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Dự kiến nhà bán lẻ này sẽ mở rộng triển khai các máy chọn món tự động trong thời gian tới tại tất cả siêu thị trên toàn quốc.
“Chúng tôi đang đẩy mạnh các kênh mua sắm đa dạng như trang thương mại điện tử, mua hàng qua điện thoại, dịch vụ đi chợ hộ, mua sắm trên ứng dụng điện thoại…” - đại diện AEON Việt Nam thông tin.
Cuộc đua bán lẻ online
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết ngành bán lẻ đang từng bước lấy lại thăng bằng để cố gắng tăng trưởng trong những tháng kế tiếp. Tuy nhiên, bán lẻ còn gặp rất nhiều khó khăn bởi sự dịch chuyển thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ offline sang online thời hậu dịch COVID-19. Trước xu hướng mới này, các nhà bán lẻ buộc phải đầu tư công nghệ, cố gắng phục vụ khách hàng mua sắm đa kênh.
Theo nhận định của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy thị trường online phát triển, trong đó thị trường hàng tiêu dùng nhanh sẽ ngày càng phổ biến. Những nhà bán lẻ mở rộng chuỗi cửa hàng liên tục, có hệ thống sinh thái bán lẻ trải dài và đa dạng mô hình bao trùm thị trường sẽ có lợi thế.
Tác động của dịch dưới góc nhìn tích cực, Nielsen cho rằng cũng giúp cho nhà bán lẻ nhận thấy tầm quan trọng của việc thông thương hàng hóa thông qua nền tảng số. Điều này có nghĩa là buộc các nhà bán lẻ phải chuyển đổi số, từng bước đưa sản phẩm lên nền tảng số hóa.
TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn và phân phối bán lẻ, phân tích trước đây các nhà bán lẻ nước ngoài đem công nghệ ở nước ngoài vào Việt Nam do họ có chuỗi siêu thị tại nhiều nước nên chi phí giảm vì chỉ là nhân rộng mô hình. Trong khi đó, đối với các nhà bán lẻ Việt Nam yếu về công nghệ vì chi phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã khác, năng lực các nhà bán lẻ Việt Nam đã tốt hơn.
“Ví dụ, Saigon Co.op có số lượng siêu thị không ít so với các chuỗi nước ngoài, do đó việc đầu tư công nghệ là hoàn toàn khả thi. Sau khi áp dụng công nghệ sẽ có rất nhiều dữ liệu được thu thập, từ đó các nhà bán lẻ có thể phân tích được dữ liệu để ra được quyết định kinh doanh đầu tư hợp lý” - ông Khương nói.
Về xu hướng của thị trường bán lẻ hậu COVID-19, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kantar nhìn nhận các xu hướng phát triển mua sắm hàng trực tuyến, các kênh siêu thị mini và xu hướng mua hàng đa kênh. Những xu hướng bán lẻ mới được thúc đẩy nhanh hơn bởi dịch COVID-19, định hình nên một giai đoạn mới của bán lẻ.
Môi trường bán lẻ sẽ liên tục thay đổi và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn bao giờ hết. Trong xu hướng này, nhà bán lẻ muốn tăng trưởng cần cân nhắc danh mục sản phẩm và kênh bán hàng dựa trên mức độ cần thiết của ngành hàng.
“Các nhà bán lẻ phải xem xét chiến lược giá và khuyến mãi cũng như hàng nhãn riêng để duy trì khách hàng và tăng lợi nhuận. Đối với nhà sản xuất, điều chỉnh danh mục sản phẩm thích ứng với các hành vi mới cũng như cải thiện truyền thông tại cửa hàng, cân nhắc việc bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng” - đại diện Kantar chia sẻ.•
Mua nhãn hàng riêng tăng mạnh Trong mùa dịch COVID-19, chi tiêu cho hàng nhãn riêng tăng 16% so với cùng kỳ. Hàng nhãn riêng đã tăng hơn 500.000 lượt mua sắm mới, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Trong mỗi chuyến mua sắm (lượt giao dịch), khách hàng có thể mua một hoặc nhiều loại sản phẩm/hàng nhãn riêng cùng một lúc. Chẳng hạn như năm 2019, một khách hàng có đi mua hàng nhãn riêng chín lần, trong năm 2020 khách hàng đi mua hàng nhãn riêng tổng cộng 24 lần. |