Đề xuất mở lại hoạt động cho khách từ Việt Nam du lịch nước ngoài

Theo báo cáo sơ kết triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 1 (từ tháng 11-2021), của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), tính đến ngày 6-12, tổng lượng khách du lịch các địa phương đã đón là 1.179 khách.

Trong đó, Khánh Hòa đón 816 khách,  Kiên Giang đón 204 khách, Quảng Nam đón 159 khách. Đà Nẵng và Quảng Ninh dự kiến đón từ 1-2022. Tỉnh Kiên Giang dự kiến đến hết năm 2021 sẽ đón 3.500 khách, Quảng Nam là 11.000 khách. 

Theo Bộ VH-TT&DL, việc đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung ứng.

Du khách quốc tế có phản ứng rất tích cực khi được khám phá những điểm đến nổi tiếng và yên tâm với các biện pháp phòng chống dịch cũng như đảm bảo an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.

Ngày 20-11 Phú Quốc đón đoàn khách Hàn Quốc đến địa phương này theo chương trình thí điểm. ẢNH: Tổng Cục Du lịch

Tuy nhiên, có một số vấn đề đặt ra là thủ tục thị thực đối với khách du lịch quốc tế. Theo quy định hiện hành, các DN đón khách du lịch quốc tế phải gửi văn bản đề nghị xét duyệt nhân sự nước ngoài nhập cảnh đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để được xem xét.

Chính sách này gây khó khăn để thu hút du khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm trước đây đã quen được miễn thị thực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, do du khách sẽ ngần ngại về thủ tục khi quyết định lựa chọn điểm đến.

Hiện nay chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đang được áp dụng qua các chuyến bay thuê bao, việc đón khách du lịch quốc tế qua đường bộ và đường biển chưa có hướng dẫn.

Theo đánh giá của một số địa phương và DN khai thác khách du lịch tàu biển, việc đón khách du lịch quốc tế bằng đường biển rất có tiềm năng.

Hiện nay đã có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tái khôi phục hoạt động du lịch đường biển, sẵn sàng điều kiện để tiếp đón các du thuyền cập bến, đặc biệt các hãng tàu quốc tế sẵn sàng những phương án khai thác khách trong kỳ nghỉ đông cuối năm 2021.

Thứ ba, về việc mở lại hoạt động tổ chức cho khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound), hiện nay công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đã được tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam khi ra nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn.

Ngày 19-11 Quảng Nam đón đoàn khách quốc tế đầu tiên theo chương trình thí điểm. ẢNH: Tổng cục Du lịch

Cụ thể là chỉ có một số nước chấp nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam và cho phép sử dụng trực tiếp. Một số quốc gia khác yêu cầu Giấy chứng nhận tiêm chủng phải được chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự mới cho phép sử dụng ở nước sở tại.

Trong khi đó, mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam không theo mẫu chuẩn của Giấy chứng nhận tiêm chủng do Bộ Y tế ban hành, một số mẫu chỉ có tiếng Việt.

Đồng thời, do các loại vaccine được mỗi nước sử dụng rất đa dạng nên thực tế một số nước tuy công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam nhưng chỉ chấp nhận một số loại vaccine thay vì tất cả các loại Việt Nam đang sử dụng khẩn cấp.

Thời gian tới để tiếp tục triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đảm bảo an toàn, hiệu quả, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét khôi phục lại chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với khách du lịch từ một số thị trường, chính sách đã có trước khi Việt Nam đóng cửa vào tháng 3-2020, nhằm tăng tính cạnh tranh với nước trong khu vực.

Cho phép khai thác khách du lịch outbound đối với các thị trường cho phép đón khách du lịch Việt Nam. Đồng thời bổ sung thêm các địa phương tham gia đón khách du lịch quốc tế gồm Bình Định, TP.HCM.

Bộ Y tế đồng ý phương án đề xuất của các địa phương, cho phép khách du lịch được sử dụng các dịch vụ tại địa phương sau khi đi tour trọn gói ba ngày và test PCR âm tính vào ngày thứ ba của chương trình tour.

Căn cứ tình hình thực tế các quốc gia trên thế giới với tỷ lệ tiêm phủ vaccine… nới lỏng tối đa quy định về cách ly đối với khách nhập cảnh.

 Lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế sử dụng "hộ chiếu vaccine" đến Việt Nam gồm giai đoạn 1 (từ tháng 11), giai đoạn 2 (từ tháng 1-2022), giai đoạn 3 (từ quý II-2022).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm