Nhức nhối cá tầm 'lạ' từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam

Nghề nuôi cá tầm ở Việt Nam được hình thành khoảng 15 năm trở lại đây, hiện đang dần phát triển thành một nghề nuôi có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghề nuôi cá tầm trong nước gặp khó khăn do cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ) quá nhiều, giá bán thấp và mập mờ về nguồn gốc.

Cá tầm Trung Quốc tràn vào khiến giá cá tầm trong nước giảm 25%-30%. Trong ảnh: Cá tầm nuôi tại một trang trại ở Lâm Đồng. Ảnh: TN 

Mập mờ nguồn gốc, chất lượng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Từ trước và sau tết Nguyên đán, tình trạng cá tầm nhập lậu từ TQ vào Việt Nam diễn ra khá nhức nhối. 
“Cá tầm nuôi trong nước kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng thức ăn, đặc biệt trong thức ăn nuôi cá không có chất cấm, chất kích thích. Còn cá tầm nhập lậu từ TQ sử dụng nhiều cám tăng trọng, chất kích thích tăng trưởng nên khi nấu lên thịt nhão, ra nước nhiều, quan trọng nhất là chất lượng khó được kiểm soát” - ông Hào nói.
Theo Chủ tịch Hội Cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, cá tầm TQ vào nước ta bán với giá chỉ khoảng 70.000-80.000 đồng/kg, còn giá cá tầm trong nước vào khoảng 110.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi đem ra chợ bán, các tiểu thương trộn lẫn hai loại cá với nhau khiến người tiêu dùng khó phân biệt, dẫn đến mua phải cá tầm nhập từ TQ mà không hề hay biết. 
“Dịch bệnh COVID-19 cộng với cá tầm từ TQ ào ạt nhập vào Việt Nam với nhiều chủng loại lạ, giá cả thấp, dẫn đến cá tầm nuôi tại các trang trại trong nước càng bí đầu ra. Những doanh nghiệp và hộ nông dân nuôi cá tầm đang gặp rất nhiều khó khăn do cá không bán được trong khi thức ăn, con giống, nhân công vẫn tiếp tục phải chi trả” - ông Hào bức xúc.
Đại diện một số trang trại nuôi cá tầm cho biết thêm, quan sát hình dạng bên ngoài cá tầm TQ khá lạ, khác nhiều so với các loài cá tầm đang nuôi tại Việt Nam và chất lượng kém nhưng người tiêu dùng không phân biệt được. Đây chính là hiện tượng lừa dối khách hàng, cạnh tranh không công bằng. 
Theo những người kinh doanh cá nước lạnh lâu năm ở tỉnh Lào Cai, do cá tầm của TQ nuôi bằng cám tăng trọng, cá lớn rất nhanh nên có giá bán rất rẻ so với cá tầm nuôi ở Sa Pa, Bát Xát. Chính vì vậy, một số tư thương nhập lậu cá tầm TQ về Việt Nam tiêu thụ để kiếm lời cao.
Để tránh tình trạng cá tầm nhập trộn lẫn với cá tầm trong nước, một số doanh nghiệp đã xây dựng nhãn hiệu của mình, gắn mã truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, số lượng cá tầm được gắn mã truy xuất chưa được phổ biến rộng.
Thiệt hại lớn vì cá tầm Trung Quốc
Số liệu từ Hội Nghề cá Việt Nam cho thấy sản lượng cá tầm năm 2020 đạt trên 3.700 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 500 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 40%-50%, tạo ra được nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động. Tuy nhiên, cá tầm TQ tràn vào khiến nghề nuôi cá tầm trong nước lao đao. 
Hiệp hội Cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng cho hay trước đây giá cá tầm mua tại các trại của tỉnh khoảng 150.000 đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 200.000 đồng/kg. Sau khi cá tầm TQ tràn vào, giá tại trại Lâm Đồng giảm 25%-30%.  
Phát hiện cá tầm không được phép bán ở Việt Nam
Trước những khó khăn ảnh hưởng đến nghề nuôi cá tầm Việt Nam, Hiệp hội Cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai, Hội Nghề cá Việt Nam… đã có hàng loạt văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu cá tầm từ TQ. 
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết vào cuối tháng 1-2021, bộ đã phối hợp với địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TP.HCM) để kiểm tra. Kết quả, phát hiện 8/11 mẫu cá tầm không phải là loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 62 của Chính phủ. 

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng cá tầm. Ảnh: QLTT

“Hiện nay có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam” - đại diện Bộ NN&PTNT cảnh báo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thêm, bộ đã đi khảo sát và trực tiếp vào Lâm Đồng để tìm hiểu tình hình và thấy rằng tình trạng cá tầm nhập lậu rất nghiêm trọng.
“Bộ chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ rà soát, xử lý hành chính những đơn vị vi phạm để chúng ta có ngành cá nước lạnh nói chung, cá tầm nói riêng phát triển. Chúng ta không thể để sản phẩm nhập lậu vào chèn ép sản xuất trong nước” - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.•
Tiêu hủy cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc
Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cho hay thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng cá tầm. 
Đơn cử lực lượng chức năng tại Lào Cai phát hiện, bắt giữ lô hàng cá tầm có nguồn gốc từ TQ với số lượng 512 kg, trị giá gần 70 triệu đồng. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ lô hàng là Hoàng Văn Đồng (34 tuổi, trú phường Duyên Hải, TP Lào Cai) khai nhận thu mua của người dân đi chợ TQ, đóng gói để vận chuyển về tiêu thụ tại Hải Phòng. Cơ quan chức năng xử phạt chủ hàng 40 triệu đồng và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng trên.
Nhập về chế biến nhưng lại tung ra chợ bán
Bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý Cites tại Việt Nam, cho biết: Riêng trong thời gian từ ngày 23-7-2020 đến 8-2-2021, cơ quan Cites đã cấp giấy phép nhập khẩu cá tầm TQ cho các doanh nghiệp với số lượng 2.988 tấn.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng cá tầm TQ được cấp giấy phép nhập khẩu vào Việt Nam rất ít. “Qua phản ánh của báo chí, cá tầm nhập về với mục đích chế biến nhưng lại cho ra chợ là đang vi phạm Chỉ thị 29 của Thủ tướng. Do vậy, chúng tôi yêu cầu chỉ có doanh nghiệp nào chứng minh được là họ nhập về đưa vào khu chế xuất, chế biến thành thực phẩm thì mới được cấp phép nên số lượng được cấp giấy phép không nhiều” - bà Nga cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm