Ngày 18-7, Sở Công Thương TP.HCM cho biết đã rà soát nhu cầu tiêu dùng của người dân và khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng hàng hóa trong điều kiện ba chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, khâu vận chuyển gặp khó khiến nguồn cung giảm. Cụ thể, TP.HCM hiện đang thiếu hụt rau củ quả với khoảng 1.500 tấn và khoảng 300.000-400.000 quả trứng mỗi ngày...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, TS Phạm Công Hiệp, giảng viên cấp cao, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại ĐH RMIT Việt Nam và TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM, đã lý giải về áp lực của chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay. Đồng thời, hai ông đưa ra các giải pháp giúp giải tỏa gánh nặng nguồn cung ứng thực phẩm đang dồn lên vai siêu thị (ST).
Nơi thiếu hàng, nơi không bán được
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng hệ thống ST đang quá tải và rất khó khăn trong việc cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu cho người dân TP.HCM?
+ TS Phạm Công Hiệp: Như chúng ta đã biết, nguồn cung thực phẩm cho TP được phân bổ chủ yếu thông qua hệ thống các chuỗi ST và chợ truyền thống. Khi các chợ truyền thống và đặc biệt là các chợ đầu mối bị đóng cửa để đảm bảo an toàn chống dịch thì sẽ gây áp lực rất lớn đối với hệ thống ST.
Trong khi đó, đặc điểm chuỗi cung ứng của Việt Nam lại qua khá nhiều khâu trung gian: Từ người nông dân đến người thu mua, từ người thu mua đến nhà cung ứng cấp 1, cấp 2… rồi mới đến được ST.
Chính vì thế, việc gia tăng nguồn cầu đột biến và siết chặt vận chuyển hàng hóa sẽ làm tắc nghẽn trong các khâu của chuỗi cung ứng hiện tại. Hệ quả là tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ xảy ra. Ngược lại, người nông dân có hàng thì không biết bán cho ai, do đầu mối là các chợ nông sản truyền thống đã đóng cửa.
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Việc hạn chế đi lại, kiểm soát người ra vào các tỉnh, TP cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc cung ứng hàng nông sản cho TP. Lý do, các chuyến hàng cung ứng bị tắc nghẽn khá lâu tại các chốt kiểm dịch do phải khai báo giấy thông hành cũng như xác nhận âm tính mới được ra vào.
Một yếu tố nữa là tâm lý tích trữ của người dân do lo sợ thiếu hụt hàng hóa lại càng làm nhu cầu vượt quá bình thường. Điều này tiếp tục gây áp lực lớn đối với hệ thống ST, dẫn đến hệ thống ST khó gánh được nguồn cung thực phẩm trong ngắn hạn như hiện nay.
Bên cạnh đó, các trang thương mại điện tử dù đóng vai trò là nguồn cung hàng hóa thực phẩm cho người dân TP nhưng dung lượng vẫn còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, kênh này không thể nhanh chóng bù đắp được nguồn cung từ các chợ truyền thống để lại trước đó.
. Vì sao các cơ quan chức năng và hệ thống ST đã nỗ lực rất nhiều nhưng tình trạng khan hiếm hàng cục bộ vẫn xảy ra?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Theo quy luật cung - cầu, cầu tăng và cung giảm thì giá sẽ tăng. Nhưng ST phải đảm bảo nguồn hàng với giá bình ổn, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho khâu thu mua hàng từ các nhà cung ứng. Hơn nữa, với lượng khách hàng tăng đột biến, ST cũng phải tuyển dụng thêm nhân sự, trả lương ngoài giờ hoặc phụ cấp cho nhân viên khi cường độ công việc tăng… dẫn đến các chi phí vận hành sẽ gia tăng.
Điều này cũng lý giải vì sao một số hệ thống ST, cửa hàng tiện lợi ngoài quốc doanh buộc phải tăng giá bán để trang trải các chi phí phát sinh. Động thái này phần nào gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của người dân có thu nhập thấp, gây bất an xã hội.
+ TS Phạm Công Hiệp: Việc thiếu hụt hàng hóa, đặc biệt là rau quả tươi không phải do thiếu năng lực sản xuất mà do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, đặc biệt ở khâu thu mua nguyên liệu và kho bãi dẫn đến hàng hóa không được phân phối đến người mua kịp thời. Đó là lý do vì sao bất chấp nỗ lực rất lớn từ các cơ quan chức năng và hệ thống ST, việc khan hàng cục bộ hiện vẫn xảy ra.
Người dân TP.HCM mua sắm thực phẩm thiết yếu tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN
Phải đa dạng thêm các kênh phân phối, bán hàng
. Nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cung hiện nay thì không thể dựa vào mỗi hệ thống ST, cửa hàng tiện lợi mà cần đa dạng hóa các kênh phân phối. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
+ TS Phạm Công Hiệp: Theo thông tin mới nhất từ Sở Công Thương TP.HCM, một số doanh nghiệp logistics và thương mại độc lập sẽ tham gia bán hàng thiết yếu. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo… cũng bán hàng rau củ quả để giúp tăng thêm nguồn cung và giảm giá bán. Có thể thấy, đây là một số giải pháp để giúp giảm phụ thuộc vào hệ thống ST.
. Ngoài giải pháp tăng thêm kênh bán, liệu có còn cần thêm giải pháp nào tối ưu hơn nữa vào lúc này, đặc biệt trong bối cảnh Chỉ thị 16 vẫn còn hiệu lực?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng giải pháp mang tính tạm thời là áp dụng hình thức mỗi người chỉ được mua một số lượng hàng hóa nhất định ở ST để tăng cơ hội cho nhiều người được mua. Nên nhớ, rất nhiều người mua vì tâm lý tích trữ chứ hoàn toàn không phải nhu cầu nhiều như vậy.
Thứ hai, đưa thêm mô hình bán hàng lưu động trên xe tải nhỏ đến các địa điểm thuận tiện về không gian. Từ đó để đảm bảo ngăn ngừa lây nhiễm, vì rủi ro tập trung ở ST cũng không phải là thấp.
Thứ ba, đa dạng hóa doanh nghiệp phân phối hàng hóa đầu cuối, tận dụng chuỗi cửa hàng sẵn có của doanh nghiệp. Qua đó vừa giúp tăng cường cung cấp thực phẩm cho người dân, vừa tạo điều kiện thu mua kịp thời cho người nông dân. Ví dụ, hiện tại các ST mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán đồ trẻ em... nếu vẫn mở cửa thì có thể tận dụng làm điểm phân phối bán hàng thực phẩm tươi sống để giảm áp lực cho chuỗi ST, vừa giảm tập trung đông người.
Cuối cùng, nên xem xét mở cửa chợ truyền thống ở dạng thu nhỏ quy mô nếu đáp ứng được yêu cầu dịch tễ, đảm bảo giãn cách, thông thoáng. Tại đây, hàng hóa cần được đóng gói sẵn nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa người mua và người bán, lựa chọn hàng hóa. Thời điểm khó khăn này, người dân cũng sẽ quen với yêu cầu mới.
. Xin cám ơn hai ông.
Huy động bưu điện, nhà thuốc... bán thực phẩm Nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM đã đề nghị Bộ NN&PTNT sớm hỗ trợ kết nối với các địa phương; giới thiệu các đơn vị cung ứng có đủ năng lực và nguồn hàng phù hợp để kết nối, cung ứng cho thị trường TP.HCM. Cơ quan này cũng cho biết đang tổ chức chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người dân TP, mời gọi doanh nghiệp nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia kết nối. Thông qua hình thức này, người dân TP sẽ được tiếp cận các kênh phân phối bình ổn với quy mô hơn 1.000 điểm bán bổ sung. Đặc biệt, trong bối cảnh kênh ST bị quá tải, TP.HCM đã huy động bưu điện, nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm, cửa hàng bán đồ trẻ em... bán thực phẩm. Chẳng hạn, Bưu điện TP.HCM tổ chức cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại 179 điểm. Các bưu cục của Viettel Post tổ chức 34 điểm bán lưu động tại 20 quận, huyện ở TP.HCM. Nhiều cửa hàng The Face Shop, Con Cưng, Guardian… cũng đã triển khai bán các loại rau củ. TU Giải quyết dứt điểm tình trạng mỗi nơi làm một kiểu Tại cuộc họp trực tuyến chiều 19-7, đại diện nhiều tỉnh, thành khẳng định nguồn lương thực, thực phẩm cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Nam và TP.HCM vẫn tương đối dồi dào. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho biết đang gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa. Vì vậy, cần cấp tốc xây dựng “luồng xanh khép kín” kể cả đường bộ và đường thủy trong vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương lân cận và TP.HCM. Đồng thời phải thống nhất quy trình và hướng dẫn các địa phương thực hiện nhất quán, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây khó khăn cho doanh nghiệp, ách tắc luân chuyển hàng hóa. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết sẽ làm việc với bộ, ngành liên quan để cấp luồng xanh, tạo điều kiện cho việc vận chuyển nông sản. Ông cũng đề nghị thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung ứng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm cho TP.HCM. AH |