Phó chủ tịch Cà Mau: Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng tôm là có cơ sở

Tại diễn đàn “Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay, 31-8, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết để phòng chống dịch COVID-19, biện pháp của tỉnh là siết chặt vòng biên giới bên ngoài, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất bên trong.

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến mỗi ngày một khác. Trong khi đó, mối nguy thì đến từ nhiều phía, trong đó có hoạt động của các chuỗi cung ứng, như hoạt động vận chuyển của tài xế.

"Có tỷ lệ khá nhiều, dù tài xế đã có giấy xét nghiệm âm tính và còn trong thời hạn 3 ngày, nhưng sau đó vào Cà Mau lại dương tính và gây ổ dịch trong cộng đồng" - ông Sử cho biết.

Diễn đàn “Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản”  tổ chức sáng 31-8. Ảnh chụp tại đầu cầu Bộ NN&PTNT. Ảnh: ĐỨC TÙNG

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, có lúc, tỉnh phải thay đổi biện pháp quản lý. Sự thay đổi này tác động từng lúc đến hoạt động sản xuất, thậm chí có lúc rất khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Đối với hoạt động kết nối cung cầu, qua sự phối hợp với các tỉnh, nhất là sự hỗ trợ của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, Cà Mau đã tiêu thụ được lượng nông sản nhất định với hơn 4.000 tấn các loại. Nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với lượng nông sản của nông dân và DN sản xuất ra, do vậy cần nỗ lực nhiều hơn trong kết nối.

"Chung quy lại các khó khăn đều tác động đến đầu ra của sản phẩm. Nhìn vào giá tiêu thụ nông sản, từ đó suy ra tác động khó khăn đến thế nào. Ví dụ như tôm Cà Mau giảm từ 8.000-23.000 đồng/kg, tùy loại. Các size tôm thẻ chân trắng cũng giảm sâu. Với giá giảm này người nông dân không có lời. Nếu sản xuất không khéo thì thua lỗ. Nếu thua lỗ thì tái sản xuất khó khăn. Một số ý kiến cho rằng chuỗi sản xuất tôm bị gãy đổ là có cơ sở" - ông Sử chia sẻ.

Không chỉ vậy, hoạt động khai thác trên biển cũng khó khăn. Việc khai thác hải sản đang chịu ảnh hưởng từ đất liền. Mực tươi, mực khô các loại giảm 30% giá. Cá ngoài chợ giảm từ 20-29%. Do vậy, duy trì lực lượng khai thác trên biển đang gặp nhiều khó khăn.

Thủy hải sản bày bán trong siêu thị. Ảnh: AH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục cho biết, tỉnh Cà Mau ưu tiên cho phòng chống dịch, trên cơ sở đó, căn cứ tình hình để tạo điều kiện cho sản xuất.

“Thật ra, khi áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch, người dân, doanh nghiệp kêu rất nhiều. Có những trường hợp rất đáng thương. Nhưng việc mở ra cũng phải căn cứ tình hình, vì nếu mở ra mà gây dịch bệnh tràn lan và vượt tầm kiểm soát thì mọi hoạt động đều không có ý nghĩa gì”, ông Sử nói.

Trao đổi về diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản, ông Sử đánh giá đây là cách làm mới, rất hay nhưng thời gian đầu còn bỡ ngỡ, nên cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp, ngành chức năng.

"Chúng tôi kiến nghị thường xuyên có những diễn đàn như hôm nay. Trong phạm vi trách nhiệm, khả năng của địa phương, chúng tôi vẫn đang gắng hết mình. Mong Bộ cùng các ngành, kiến nghị Chính phủ có những chính sách mạnh mẽ hơn để hỗ trợ người dân thông qua doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp được hỗ trợ, thì họ sẽ duy trì kết nối được với nông dân, tránh gãy đổ chuỗi sản xuất”, ông Sử phát biểu.

Ông Sử nêu ví dụ về Tập đoàn Lộc Trời đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất, hỗ trợ lợi nhuận sau mỗi vụ. Như vậy, người dân yên tâm không bị mất lợi nhuận, coi như đã được doanh nghiệp bảo hiểm.

“Người dân không phải lo chi phí sản xuất, thì chính quyền, ngân hàng không phải lo cho người dân vay, chỉ cần cho doanh nghiệp vay. Tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm đến mô hình này. Thay vì lo cho từng hộ nông dân vay vốn, thì chỉ cần cho doanh nghiệp vay vốn” - ông Sử đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm