Kính tiễn biệt nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân

(PLO)- Dẫu biết rằng cuộc sống là hữu hạn, cũng không ai có thể thoát khỏi quy luật của tạo hóa sinh - lão - bệnh - tử nhưng sự ra đi của Tổng Bí thư đã khiến mọi người dân tiếc thương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay (25-7), người dân trên mọi miền đất nước sẽ đến viếng, kính tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân về đất mẹ.

Trước giờ phút ấy, đông đảo người dân, cán bộ ở khắp nơi đã chia sẻ, dành những cảm xúc trân trọng, tiếc nuối… với người lãnh đạo đáng kính, bình dị, trọn một đời vì nước, vì dân.

p4+5-bai-chinh-cam-xuc-nguoi-dan.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai, vào chiều 12-4-2017. Ảnh: TTXVN

Sống chan hòa, tình cảm

Ông Nguyễn Minh Quang, một cựu chiến binh, thành viên của Tổ an ninh trật tự cơ sở phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - nơi gia đình Tổng Bí thư sinh sống), cho hay từ khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông và lực lượng giữ gìn an ninh trật tự của phường được huy động “chốt” ở góc phố Thiền Quang - Trần Bình Trọng, làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, chuẩn bị cho ngày Quốc tang (25 và 26-7).

Đây cũng vốn là nhiệm vụ thường xuyên của tổ an ninh trật tự phường, nhờ vậy có đôi lần ông Quang được tiếp xúc với Tổng Bí thư. “Đó là một nhà lãnh đạo đáng kính, giản dị” - ông Quang nói.

Còn bà Nguyễn Thị Hiệp, Phó Bí thư Chi bộ 8, Đảng bộ phường Nguyễn Du, cho hay gia đình bà chuyển tới số 9 phố Thiền Quang từ năm 2000 và có duyên làm hàng xóm với gia đình Tổng Bí thư từ đó đến nay.

“Bà con khu phố nghe tin bác ấy mất, ai nấy đều buồn. Bác ấy sống tình cảm, gắn bó. Bác ấy và gia đình là một tấm gương mẫu mực cho mọi người noi theo” - bà Hiệp nói rồi bảo những năm trước đây, mỗi lần đi làm về, ông hay xuống xe trước cửa nhà, đứng lại một lúc nhìn dãy phố, vẫy tay chào hỏi mọi người khi gặp gỡ.

“Chồng tôi là tổ trưởng tổ dân phố, xấp xỉ tuổi với bác. Hai người thi thoảng trò chuyện với nhau. Có lần gặp, bác ấy dí dỏm với ông nhà tôi: “Ông là tổ trưởng gương mẫu, còn tôi là công dân của phố”... Là lãnh đạo lớn, bận việc nước nhưng với khu phố, lúc nào bác ấy cũng mong mỏi mọi người cùng đồng lòng, hòa thuận, đoàn kết để xây dựng cuộc sống tốt hơn” - bà Hiệp nói.

Kính tiễn biệt nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân tổng bí thư
Một góc căn phòng nhà ở tập thể Tạp chí Cộng sản số 16, phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh sống trước năm 1996. Ảnh: TP

Ông Nguyễn Mạnh Cường, 62 tuổi, cựu cán bộ, nhân viên của Tạp chí Cộng sản, cho hay ông có cơ duyên làm hàng xóm với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hơn 10 năm (giai đoạn 1986-1996) ở tập thể Tạp chí Cộng sản, số 16 phố Nguyễn Thượng Hiền, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng.

Tập thể là một ngôi nhà xây kiểu Pháp cũ, cao ba tầng, gồm tám hộ gia đình ở. Gia đình Tổng Bí thư lúc đó có năm người (gồm bà cụ thân sinh của Tổng Bí thư, vợ chồng ông và hai người con) sống trong căn phòng 25 m2 ở tầng 3.

“Tôi kém Tổng Bí thư 18 tuổi nên gọi ông là chú. Chú Trọng là người giản dị, gần gũi với bà con lối xóm. Còn cô Mận (phu nhân của Tổng Bí thư, bà Ngô Thị Mận - PV) là người hiền hậu, chất phác. Nhà tập thể gia đình chú tuy nhỏ nhưng sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Con cái của chú đều được giáo dục gia giáo, là người lễ phép” - ông Cường nhớ lại.

Hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cao đẹp nhất

Ông Trần Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 10, TP.HCM, nói dẫu biết không ai có thể thoát khỏi quy luật của tạo hóa sinh - lão - bệnh - tử nhưng ông thật sự như nghẹn lại khi nghe tin Tổng Bí thư qua đời.

“Tuy không được hữu duyên gặp trực tiếp ông nhưng qua truyền thông, tôi cảm nhận được ở con người ông là một nhà trí thức với kiến thức uyên bác, một nhà lãnh đạo quyết đoán, mạnh mẽ nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương con người” - ông Tùng chia sẻ.

Ông Tùng còn bảo ông thật sự rất ấn tượng với quá trình kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Qua đó, củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam…

Không chỉ những chủ trương lớn, tầm vĩ mô mà ông còn dành thời gian quan tâm đến tất cả các ngành, từng lĩnh vực, từng đối tượng, từng thành phần các giới và tầng lớp nhân dân bằng sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân tình, sâu sắc...

Xin được kính cẩn nghiêng mình kính chào tiễn biệt một người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, một người con xuất sắc của dân tộc Việt Nam, một phong cách giản dị, một nhân cách vĩ đại.

p4+5-box.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần thăm hỏi bà con các dân tộc trong dịp thăm tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: HOÀNG GIA

“Tổng Bí thư ra đi là một nỗi mất mát lớn. Lòng tôi trĩu nặng khi nghe tin ông” - anh Nguyễn Trọng Nghĩa (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ và cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cảm nhận của anh là người mang phẩm chất đạo đức, trí tuệ của người lãnh đạo đứng đầu Đảng. Dù đã có tuổi nhưng hằng ngày Tổng Bí thư vẫn đau đáu với sự nghiệp cách mạng của đất nước, chăm lo vì lợi ích của người dân.

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống. Bởi vì đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn bị mọi người khinh bỉ, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất cho đời…”.

Câu nói ấy khiến tôi - một người trẻ, một đoàn viên luôn trăn trở rằng mình phải sống sao cho xứng với sự hy sinh của các bậc tiền nhân đi trước, phải sống để cống hiến và dựng xây đất nước sánh vai với năm châu.

Tổng Bí thư đã sống và để lại những di sản vô giá cho đời, đã sống và có sự nghiệp vẻ vang trọn vẹn. Tuy ông đã ra đi nhưng những đóng góp to lớn của ông dành cho đất nước sẽ luôn được các thế hệ trẻ mai sau mãi ghi nhớ.

Xin tiễn biệt người chiến sĩ cộng sản kiên trung!

Biểu tượng cao đẹp của người cộng sản kiên trung

Tôi chưa bao giờ quên được kỷ niệm khi lần đầu tiên được gặp Tổng Bí thư trong chuyến công tác của bác về thăm Vùng 4 Hải quân vào ngày 5-5-2016.

Trong buổi nói chuyện, Tổng Bí thư đã ân cần thăm hỏi đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, động viên chúng tôi đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.

Trong trái tim mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là biểu tượng cao đẹp của người cộng sản kiên trung, để mỗi cán bộ, chiến sĩ Trường Sa học tập, noi theo.

Thượng tá TRẦN QUANG PHÚ, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa,
Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân

*****

Nhớ lời dặn đoàn kết, đồng hành cùng sự phát triển đất nước

Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi và bạn bè mình không ai nói gì, tất cả đều bàng hoàng.

Từng có cơ duyên gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông thăm Pháp năm 2018, hình ảnh ông trong tâm trí tôi là người rất giản dị, bao dung và khiêm nhường.

Tổng Bí thư dặn dò kiều bào nhiều điều, đặc biệt là về công tác đại đoàn kết toàn dân. Bác nói cộng đồng kiều bào ở Pháp phải thật đoàn kết với nhau để tiếp tục cùng lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Bác cũng dặn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phải đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Tôi cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại hai di sản lớn nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chính sách “ngoại giao cây tre”.

PGS-TS TRẦN LÊ HƯNG, ĐH Gustave Eiffel, kiều bào Pháp

*****

Bức ảnh treo trang trọng trong căn nhà sàn

Tôi được vinh dự gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần ra Hà Nội dự lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số vào tháng 12-2017.

Khác hoàn toàn với tưởng tượng của tôi, Tổng Bí thư rất thân thiện, gần gũi, tạo cho tôi cảm giác như mình đang gặp, đang nói chuyện với một người thân ở buôn làng vậy. Cũng hôm đó tôi được chụp ảnh với Tổng Bí thư, bức ảnh đó nay vẫn được treo ở nơi trang trọng nhất trong căn nhà sàn.

Hôm đó, Tổng Bí thư ân cần dặn tôi cố gắng làm kinh tế, giúp gia đình, tạo công ăn việc làm cho bà con buôn làng. Giờ tôi làm được rồi, hợp tác xã thổ cẩm của tôi phát triển tốt. Thế nhưng tôi không còn cơ hội gặp Tổng Bí thư nữa.

H’YAM BKRÔNG, ngụ xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm