Nhưng bạn có biết, đến nay, họ vẫn chưa có bằng Đại học?
Đó sẽ là ba nhân vật cuối cùng Báo Pháp luật TP.HCM muốn giới thiệu tới bạn đọc trong loạt bài: “Thành công dù chưa có bằng Đại học”.
Thanh Thảo- cô chủ Út Lành cafe
Trần Thị Thanh Thảo
Út Lành café như một Sài Gòn rất khác, một Sài Gòn giản dị, hồn nhiên giữa lòng phố phường xô bồ, tấp nập. Chỉ mới mở vài tháng gần đây nhưng quán café ấy đang gây bão cộng đồng mạng, trở thành điểm đến lý tưởng cho những bạn trẻ “rủ nhau đi trốn Sài Gòn”. Chủ quán café đó là Trần Thị Thanh Thảo, cô gái sinh năm 1992.
Thảo cũng từng thi Đại học và đậu. Nhưng rồi cái ngày nhận giấy báo trúng tuyển, Thanh Thảo quyết định gấp lại tờ giấy bao người mơ ước ấy để bắt tay vào đam mê kinh doanh. Lý giải về việc này, Thảo cười hồn nhiên, trả lời thẳng như cách sống của người Sài Gòn, rằng cuộc đời và những va chạm sẽ là người thầy giỏi nhất.
“Hồi đó thi vậy chứ mình cũng không hi vọng đậu trường nào. Bạn bè thi mình cũng thi theo thôi à. Nhưng rồi đến lúc nhận giấy báo nhập học, cảm giác không muốn học nữa, cảm giác rằng trường sẽ không dạy cho mình những gì mình muốn học. Vậy nên mình không đi học thôi”.
Út lành cafe. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Thảo kể rằng, Thảo thích kinh doanh từ bé. Khi còn là học sinh cấp hai, cô gái đó đã tự tay khéo léo làm những tấm thiệp bán cho bạn bè trong những ngày lễ, giáng sinh…Những ngày hội trường, hội chợ, Thảo lại cùng bạn thuê gian hàng bán cá viên chiên, chả giò. Những công việc đó không chỉ mang lại cho Thảo nguồn thu nhập mà còn là niềm vui thực sự. Hiện tại, ngoài Út Lành café, Thanh Thảo cũng là bà chủ của hai cửa hàng ăn ngay giữa trung tâm Quận 1, TP.HCM.
“Mình và Huỳnh Kim Yến (1992) cùng mở Út Lành cafe. Phải mất gần hai tháng chúng mình mới tìm được điểm này. Sau đó là những ngày đào xới trong kho đồ cũ bên Quận 8 lựa từng món: cái bàn, cái ghế…sao cho đúng ý. Tấm trải bàn này là mình mua bên phố người Hoa. Không gian của Út Lành café chỉ tiếp được tầm 20 khách, nhỏ thôi nhưng mình không muốn quá nhộn nhạo, khách có thể yên tâm thoải mái khi vào đây. Ở quán, nếu không xài điện thoại, mỗi bàn sẽ được giảm 5.000 đồng. Chúng mình có ghi rõ trong thực đơn. Mình hi vọng mọi người đến đây được thư giãn và nói chuyện với nhau nhiều hơn”- Thanh Thảo tâm sự.
Giang Thiên Phú : “Tôi quyết định học nghề”
Giang Thiên Phú là cái tên không còn xa lạ trong giới công nghệ thông tin ở Việt Nam. Tên tuổi của anh bắt đầu được biết đến bởi những công trình “máy vệ sinh chuồng gà” với giải thưởng sáng tạo dành cho học sinh phổ thông, robot xây thành Cổ Loa, máy bay điều khiển từ xa. Đặc biệt là sản phẩm kính hiển vi làm từ webcam.
Giang Thiên Phú sinh năm 1989. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Anh từng từ chối cơ hội vào Đại học để đi học nghề tại Trung tâm Aprotrain Aptech. Anh trở thành giám đốc công ty tin học năm 19 tuổi, cũng là trường hợp hy hữu khi vượt qua nhiều vòng thi tuyển để trở thành giảng viên của Aprotrain Aptech khi chưa có bằng đại học. Mọi người gọi anh là Bill Gates của Việt Nam.
Tuy nhiên không giống hoàn toàn với những thông tin trước đó rằng anh “bỏ học ĐH để làm giám đốc”, Giang Thiên Phú chia sẻ thêm rằng anh cũng từng đăng ký dự thi tuyển sinh vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và không may mắn khi anh đã trượt nguyện vọng 1. Trong lúc nhiều thí sinh lo tìm một nơi đủ điều kiện để xét tuyển ĐH và nhất định phải là ĐH thì Phú dành thời gian để nghĩ về “nghề nào mình nên làm cho đáng".
“Tôi quyết định học nghề. Tôi nghĩ chuyện trượt đại học có thể coi là một "thất bại lớn đầu đời" đối với rất nhiều bạn, và cái chuyện đối mặt với thất bại vốn là chuyện "xưa như trái đất". Tôi chỉ muốn nói rằng: với các bạn đậu đại học, đó mới chỉ là thành công bước đầu, mọi khó khăn của cuộc đời mới bắt đầu mở ra thôi. Còn với các bạn trượt đại học: thua keo này ta bày keo khác, chẳng lẽ có mỗi vài ba tờ giấy thi đã đủ để ấn định cuộc đời bạn sao?”-Giang Thiên Phú trải lòng.
Sáng tạo gần đây nhất của anh là Zoday.vn- Cổng mua sắm toàn cầu. Đây là trang web cho mọi người ngồi nhà mua hàng ngoại thoải mái. Anh cho biết hiện người bán trên zoday hiện tại đã có amazon, ebay, 6pm, zappos và jomashop (đều từ Mỹ). Anh và các cộng sự đang làm việc để lấy thêm hàng của các người bán khác tại Nhật, Hàn, Trung Quốc.
“Chúng tôi lấy thông tin sản phẩm trực tiếp từ các người bán uy tín nước ngoài về đăng lên web sau khi đã quy đổi từ giá gốc họ bán cho mình và thuế phí nhập về để có giá bán cho người mua (việc đăng và tính giá này thực hiện hoàn toàn tự động bằng robot).
Trong vòng 1 đến 3 tuần tùy nước hàng sẽ được giao tới tận tay người mua. Khách hàng sẽ nhận được nguyên kiện hàng gửi từ nước ngoài về có cả giấy tờ mua hàng ở nước ngoài và phiếu vận chuyển hàng hóa ở nước ngoài. Đây có thể coi là tiến bộ của thời đại mới, khi mà trước đây người ta đã có thể nói chuyện với bạn bè ở khắp thế giới thì nay có thể đi chợ mua hàng từ khắp thế giới chỉ cần ngồi nhà.
Ngoài ra, nếu khách hàng muốn mua bất cứ món hàng nào trên thế giới người mua chỉ cần gửi link món hàng đó hoặc thông tin về món hàng đó và nơi mua cho zoday, zoday sẽ báo giá. Nếu thấy hài lòng, người mua có thể đặt hàng” - Giang Thiên Phú tự hào chia sẻ.
Đặng Thu Trang: “Đừng xem sai lầm là đặc quyền của tuổi trẻ”
Một cửa hàng kinh doanh cafe, nước uống giải khát thì chẳng có gì lạ. Nhưng một cửa hàng đa zi năng đến mức bạn có thể vừa uống nước vừa được xem bói bài tarot, để tránh nhàm chán trong lúc phải chờ đợi lâu bạn có thể làm đẹp trên tầng Spa hay shopping xem quần áo hoặc “tự sướng” ở studio free,… thì chỉ có ở Capricorn Coffee, một điểm đến gần đây rất được nhiều bạn trẻ Hà Thành ưa chuộng.
Chủ nhân của mô hình “năm trong một” sáng tạo này là Đặng Thu Trang (1993).
Đặng Thu Trang chỉ mới 23 tuổi.
Trang từng theo học ngành Quản trị kinh doanh tại một trường Cao đẳng ở Hà Nội. Nhưng học giữa chừng, Trang quyết tâm bỏ dở con đường Đại học ấm êm ấy để tập trung cho niềm đam mê kinh doanh của mình. Quyết định của Trang khiến cho bạn bè và người thân của em không khỏi bất ngờ. Đối với Thu Trang, đó là cách để để bản thân có thể sống hết mình với tuổi trẻ.
“Mình tâm niệm học không phải là con đường duy nhất đến với thành công. Nhưng người có học vẫn sẽ hơn người vô học, nhất là trong cách hành xử, lời ăn, tiếng nói, và cũng sẽ có tiếng nói hơn trong xã hội. Hiện tại mình chỉ tạm ngưng việc học tập mà thôi chứ không hoàn tàn bỏ hẳn. Tuy nhiên mình không hối hận, việc bỏ lỡ cơ hội học lên đại học vì cửa hàng là đam mê là nhiệt huyết khi mình 21 tuổi nên mình cần hoàn thành nốt đam mê. Cá nhân mình, mình nghĩ rằng, các bạn trẻ hãy trải nghiệm, sai rồi vấp ngã chúng ta sẽ khéo léo hơn tinh nhanh hơn trong cuộc sống nhưng đừng xem sai lầm là đặc quyền của tuổi trẻ”.