Ngày 21-4, tin từ Sở NN&PNTN TP.HCM cho hay, đơn vị này đã hoàn tất phương án “tỉa” thưa cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhằm ngăn chặn tình trạng cá chết tái diễn trong mùa mưa năm nay.
Hiện phương án này đã gửi cho các đơn vị liên quan để góp ý thêm, trước khi tổ chức chức thực hiện.
Sở NN&PTNT cho biết, theo nghiên cứu do Sở KH-CN và Khoa Thủy sản –ĐH Nông lâm TP.HCM thực hiện, mật độ cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện nay đã quá nhiều, có khả năng vượt sức tải của dòng kênh.
Cá rô phi hiện chiếm hơn 84% lượng cá trên kênh, cần được "tỉa " bớt khoảng 30%. Ảnh: TRUNG THANH
Cụ thể, trên đoạn kênh dài 9,3 km có khoảng 284.000 con cá với khối lượng tương đương 471 tấn. Trong đó, cá rô phi chiếm hơn 84%. Còn lại là cá chép (5,9%), cá trôi (4,1%), cá trê lai (2,3%), cá rô đồng (0,4%), cá tra (0,3%), cá lóc (0,1%)…
Theo Sở NN&PTNT, trong các loài cá trên, cá rô phi, cá chép, cá trôi nên hạn chế thả vì chúng không có cơ quan hô hấp phụ. Ngoài ra, mật độ của nhóm cá này hiện đã có khả năng vượt sức tải của dòng kênh.
Do đó, nhóm cá trên cần tỉa thưa bớt. Cụ thể, cá rô phi cần tỉa thưa khoảng 30% ước tính khoảng 17.000 con, cá trôi cũng “tỉa” bớt 30% ước tính khoảng 17.000 con, cá chép khoảng 20% ước tính khoảng 24.000 con.
Phương án đánh bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đưa ra sông Sài Gòn. Ảnh: TRUNG THANH
Để giảm mật độ cá Sở NN&PTNT đề xuất dùng lưới vây bao rút chì (còn gọi là lưới rùng) và một số loại lưới có mắt lưới lớn để đánh bắt cá. Cá sau khi đánh bắt sẽ được vận chuyển đưa ra sông Sài Gòn và thả ở những đoạn phù hợp.
Tổng kinh phí “tỉa” cá ước tính khoảng 524 triệu đồng. Thời gian thực hiện trước mùa mưa 2017.
Ngoài ra, Sở NN&PNT còn đề xuất nên xem xét thay thế dần cá trê lai trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bằng cá trên vàng - loài bản địa.