Liên tiếp gần đây có hai vụ xe bị nước lũ cuốn làm sáu người chết. Vậy phải xử lý ra sao để bảo vệ tính mạng trong tình huống này?
PGS-TS Phạm Xuân Mai (Khoa Kỹ thuật Giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM), cho biết trước tiên, để rơi vào tình huống này là do lái xe chủ quan hoặc thiếu kinh nghiệm.
Một tài xế có kinh nghiệm sẽ biết không nên chạy xe ở mức nước ngập đến đâu và sức chảy của nước (cảm nhận qua sự va đập của dòng nước vào mạn xe và quan sát tốc độ, hướng chảy).
Nói chung, không nên lái chiếc xe Toyota Fortuner bảy chỗ, nặng khoảng trên hai tấn khi mức nước ngập quá độ cao sàn xe.
Cũng theo PGS-TS Mai, người trong xe chỉ có vài giây để mở cửa xe trước khi xe bị ngập.
Nếu không kịp thì phải giữ bình tĩnh, hít thở thật sâu và chờ thời điểm thích hợp là khi mực nước dâng ngang ngực bên trong xe.
Đây là khoảnh khắc quý giá để từ từ mở cửa xe. Do khi mực nước bên trong và ngoài xe cao bằng nhau thì không có sự chênh lệch về áp lực gây khó khăn cho việc mở cửa. Sau khoảnh khắc quý giá này sẽ không thể mở bất kỳ cửa nào của xe cho đến khi áp suất bên trong và bên ngoài xe được cân bằng, tức nước đã ngập hoàn toàn bên trong xe…
Bằng trải nghiệm thực tế và nghiên cứu của mình, ông Phạm Hữu Tình nói thêm một khi xe đã bị ngập thì những người ngồi phía sau cần phải chủ động thoát chứ không quá phụ thuộc vào tài xế.
Cách tốt nhất là phải tìm cách mở kính. Thông thường, hệ thống điện của các xe hiện đại vẫn có thể hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định sau khi xe chìm nên cần phải cố gắng mở cửa bằng chỉnh điện.
Nếu không được thì dùng các vật dụng cứng (như búa, tua vít, cờ lê… hoặc giày cao gót, laptop, camera, điện thoại…) đập vỡ cửa kính.
Cần chọn điểm trung tâm của cửa để có hiệu quả nhanh hơn nhưng lưu ý hầu hết ô tô hiện nay đặt động cơ ở phần trước nên phần đầu xe bị chìm trước vì vậy không được đập kính chắn gió phía trước, hơn nữa kính này rất chắc chắn. Theo thử nghiệm thì mỗi chiếc xe khi bị rơi xuống nước sẽ như một cái phao nhưng chỉ nổi từ 30 giây đến 2 phút, cộng thêm thời gian nước tràn vào xe trong vòng 1-2 phút. Những người ngồi trong xe phải tận dụng khoảng thời gian này và áp dụng một số kỹ năng quan trọng để thoát ra.
Cạnh đó, hãy để ý đến trẻ em đầu tiên. Kéo chúng lên mặt nước càng sớm càng tốt. Khi thoát ra ngoài thì hãy vứt bỏ giày dép, cởi những quần áo nặng bên ngoài để bơi dễ dàng. Nếu bị kiệt sức hoặc bị thương nên bám lấy cành cây hoặc những vật nổi khác...
Phải dạy lái xe xử lý tình huống Lái xe nên phổ biến cho những người đi trên xe biết cách thoát ra khỏi xe khi xe bị bất kỳ sự cố nào. Những người cùng đi (đặc biệt là các quan chức) không nên thúc ép lái xe cố vượt lũ vì thường người đi trên xe không có nhiều kinh nghiệm xử lý như lái xe. Đối với ngành giao thông và thuỷ lợi thì ở các đoạn đường hay bị ngập lũ phải lắp đặt các cột đo độ cao (được sơn phản quang) nước ngập so với bề mặt đường và tùy theo địa hình, dòng chảy phải quy định độ cao cho phép xe chạy qua. Ngành giao thông nên đưa vào chương trình dạy lái xe xử lý tình huống khi xe chạy qua các đường hay đập tràn có ngập lũ. PGS-TS PHẠM XUÂN MAI, khoa Kỹ thuậtgiao thông, |
MINH PHONG