52 ứng dụng Trung Quốc bị nghi ngờ thu thập dữ liệu

Những ứng dụng này có thể thu thập một lượng lớn dữ liệu từ người dùng Ấn Độ và không an toàn để sử dụng, tờ Hindustan Times dẫn lời các quan chức cấp cao. 

tiktok

TikTok bị kêu gọi tẩy chay tại Ấn Độ. Ảnh: Internet

Trong số các ứng dụng bị kêu gọi tẩy chay có rất nhiều cái tên quen thuộc như TikTok, SHAREit, Bigo Live, Club Factory, Shein và Helo. Dưới đây là những ứng dụng mà các cơ quan tình báo Ấn Độ muốn người dùng tránh xa:

Mạng xã hội

Phổ biến nhất trong danh sách này là TikTok với hơn 120 triệu người dùng hàng tháng, ngoài ra còn có ứng dụng Hello (hơn 50 triệu người dùng) và Bigo Live (22 triệu người dùng). Một số cái tên khác cũng bị yêu cầu tẩy chay là Vigo Video, Weibo, WeChat và Like. 

Chính sự phổ biến đã khiến những ứng dụng này trở thành trung tâm của sự chỉ trích và hoài nghi từ chính quyền lẫn công chúng. 

ung-dung-Trung Quốc

Những ứng dụng Trung Quốc bị các cơ quan tình báo Ấn Độ nghi ngờ thu thập dữ liệu. Ảnh: Internet

Thương mại điện tử

Ấn Độ có hơn 500 triệu người dùng Internet, nhưng ngành thương mại điện tử trong nước vẫn chỉ chiếm khoảng 3% tổng giá trị bán lẻ tại quốc gia này. Trong những năm qua, các nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ, Amazon và Walmart, đã đầu tư lớn vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Ấn Độ. 

Tất nhiên các công ty Trung Quốc cũng không nằm ngoài cuộc chơi, trong đó có một số ứng dụng phát triển thần tốc như Club Factory với hơn 100 triệu người dùng hàng tháng ở Ấn Độ và Shien (hơn 5 triệu lượt tải xuống tại quốc gia này).

Ứng dụng selfie

Năm 2016, Ấn Độ trở thành thị trường lớn thứ hai của Meitu (chỉ sau Trung Quốc), nhà phát triển hai ứng dụng làm đẹp BeautyPlus và MakeupPlus. Công ty thậm chí còn ra mắt ứng dụng BeautyPlus Me, được thiết kế dành riêng cho người dùng Ấn Độ.

Sáu ứng dụng selfie hiện đang nằm trong danh sách đen của các cơ quan tình báo Ấn Độ bao gồm BeautyPlus, Photo Wonder, YouCam Makeup, Perfect Corp, SelfieCity và Wonder Camera.

Chia sẻ tệp tin

Vào tháng 1-2019, SHAREit trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều thứ ba ở Ấn Độ, chỉ sau WhatsApp và Facebook. Được sở hữu bởi Lenovo, ứng dụng này có hơn 400 triệu người dùng ở Ấn Độ, trong đó 200 triệu người dùng hàng tháng.

Xender đã trở nên phổ biến nhờ sự hợp tác với Samsung, một nhà bán điện thoại thông minh hàng đầu ở Ấn Độ.

Trình duyệt

Bốn trình duyệt nằm trong danh sách tình nghi của các cơ quan tình báo Ấn Độ gồm UC Browser, APUS Browser, CM Browser và DU Browser. Những trình duyệt của Trung Quốc rất phổ biến ở Ấn Độ, chủ yếu vì chúng tiêu thụ ít dữ liệu.

Tổng hợp tin tức

Các ứng dụng tổng hợp tin tức bị nghi ngờ tại Ấn Độ gồm UC Browser, NewsDog, Dailyhunt, Inshorts và NewsPoint.

Bên cạnh đó, các cơ quan tình báo cũng yêu cầu tẩy chay ba ứng dụng thuộc sở hữu của Xiaomi gồm Mi Video, Mi Community và Mi Store.

Tương tự, các sản phẩm của Tencent cũng không nằm trong danh sách ngoại lệ, trong đó có những cái tên được nhắc đến là Swiggy, Hike, Practiceo, QQ International, QQ Launcher, QQ Security Centre, QQ Player, QQ Music, QQ Mail, QQ Newsfeed và Wesync.

Ngoài ra vẫn còn một loạt các ứng dụng nâng cao hiệu suất điện thoại, chỉnh sửa video, chống virus cũng được nhắc tên như Vault-Hide, VivaVideo, Virus Cleaner, DU recorder, Baidu Translate, Baidu Map, Mail Master, Parallel Space, DU Privacy, 360 Security, DU Battery Saver, DU Cleaner, Clean Master, CacheClear DU apps studio, Clash of Kings, ES File Explorer. 

Đọc thêm