1. Giả mạo là người nước ngoài
Hiện nay, tội phạm giả mạo là người nước ngoài (sĩ quan, binh lính đang tham gia chiến tranh, làm nhiệm vụ quốc tế tại các khu vực chiến sự... không có người thân) thông qua mạng xã hội làm quen, sau đó lấy lý do gửi quà, đồ vật giá trị, thậm chí là ngoại tệ, vàng có giá trị rất lớn nhờ nhận, quản lý, lưu giữ.
Sau đó, kẻ gian sẽ tiếp tục giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt… để chiếm đoạt.
|
Giả mạo người nước ngoài, tặng quà và yêu cầu bạn gửi phí. Ảnh: TIỂU MINH |
Khi nhận được các yêu cầu tương tự như trên, bạn nên cảnh giác, không chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng yêu cầu và trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.
2. Giả danh cơ quan chức năng
Ngoài ra, kẻ gian còn giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... gọi điện thông báo bạn có liên quan đến các vụ án đang điều tra, mua bán ma túy, rửa tiền... qua mạng xã hội để đe dọa.
Sau đó chúng sẽ yêu cầu bạn chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định, hoặc yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để kiểm tra.
Thông thường, việc điều tra của các cơ quan chức năng, xác minh, xử lý tội phạm đều được tiến hành trực tiếp, không thông qua mạng xã hội để gửi thông báo. Do đó, người dùng nên cảnh giác, không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng và trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.
3. Giả mạo trang web của các tổ chức, doanh nghiệp
Giả mạo trang web của các tổ chức, doanh nghiệp… là một trong những phương thức lừa đảo được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Bằng cách gửi các đường link dẫn đến các trang web giả mạo, người dùng sau khi đăng nhập sẽ nhanh chóng bị chiếm tài khoản, mất tiền trong ngân hàng.
|
Giả mạo trang web của các doanh nghiệp, phần mềm nổi tiếng. Ảnh: BleepingComputer |
Do đó, để tránh bị mất tiền oan uổng, bạn không nên bấm vào các liên kết do người lạ gửi, thậm chí là cả bạn bè. Nên kiểm tra mức độ an toàn của liên kết thông qua dịch vụ VirusTotal, hoặc tìm kiếm tên trang web trực tiếp trên Google.
4. Tuyển cộng tác viên bán hàng online
Hiện nay, kẻ gian liên tục đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok...), vì việc nhẹ lương cao nên không ít người đã trở thành nạn nhân.
|
“Tôi là trưởng phòng nhân sự…” cũng là một dạng lừa đảo tương tự. Ảnh: TIỂU MINH |
Để tạo lòng tin, kẻ gian sẽ hoàn tiền đầy đủ cho những đơn hàng đầu tiên (thường có giá trị nhỏ). Tuy nhiên, các đơn hàng tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn, thường là vài triệu cho đến vài chục triệu, và bắt đầu từ lúc này bạn sẽ không được hoàn tiền, chưa kể đến việc còn có thể bị mất thông tin đăng nhập ngân hàng, dính mã độc...
Ngoài ra, bạn đọc cũng nên cẩn trọng các thông tin tuyển dụng việc làm nhẹ nhàng, lương cao, không cố định giờ giấc, không có địa chỉ công ty rõ ràng… để tránh bị mất tiền oan uổng.
Hy vọng với những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp, bạn đọc sẽ biết cách nhận diện 4 thủ đoạn lừa đảo sau tết để tránh bị mất tiền oan uổng.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho bạn bè, người thân… để nhiều người cùng biết, tránh rơi vào bẫy của kẻ gian.