Như bạn đã biết, chỉ số IP đề cập đến khả năng chống bụi bẩn và thấm nước trên điện thoại. Một số điện thoại có thể chịu được một hoặc hai lần thấm nước, trong khi một số khác có thể hoạt động dưới nước hoàn toàn.
Tuy nhiên, người dùng không phải lúc nào cũng nhận thức được sự khác biệt giữa khả năng chống nước và chống thấm nước.
Samsung Australia đã chạy một loạt 9 quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội và cửa hàng trực tuyến từ tháng 3 năm 2016 đến tháng 10 năm 2018 với thông điệp Galaxy S7, S7 Edge, A5 (2017), A7 (2017), S8, S8 Plus và Note 8 có thể sử dụng ở hồ bơi và dưới biển.
Xếp hạng IP68 cho phép điện thoại hoạt động ở độ sâu tối đa 1,5 m trong 30 phút, nhưng đó là đối với nước ngọt, trong khi hồ bơi và nước biển có chứa các chất hòa tan thúc đẩy sự ăn mòn. Nếu người dùng sạc điện thoại khi còn ướt, cổng sạc sẽ có thể bị hỏng hoàn toàn (điều này đã từng được Samsung thừa nhận).
Theo Ủy ban Cạnh tranh & Người tiêu dùng Australia, nhiều người đã quá tin tưởng vào quảng cáo, mang điện thoại đi bơi và gặp sự cố. Trong một số trường hợp, thiết bị thậm chí ngừng hoạt động hoàn toàn.
Samsung Australia đã được lệnh phải trả khoản tiền phạt 9,6 triệu USD cho tất cả các hoạt động quảng cáo gây hiểu lầm.
Trước đó không lâu, công ty K. Mizra đã đệ đơn kiện Samsung ở Đức về một bằng sáng chế liên quan đến tính năng dự đoán thời lượng pin trên điện thoại.
Theo công ty cấp bằng sáng chế K. Mizra, tính năng này thuộc về một viện nghiên cứu độc lập của Hà Lan được gọi là Tổ chức Nghiên cứu Khoa học Ứng dụng Hà Lan (TNO).
K. Mizra cáo buộc điện thoại thông minh của Samsung đã vi phạm bằng sáng chế (phiên bản tiếng Đức), ảnh hưởng đến các thiết bị đang sử dụng Android đời cũ. Do đó, dòng Galaxy S22 series được phát hành gần đây nhiều khả năng sẽ không bị ảnh hưởng.
Đa số các mẫu smartphone Android hiện nay đều có khả năng dự đoán thời lượng pin còn lại dưới một số hình thức. Vì vậy, việc K. Mizra đâm đơn kiện Samsung có thể gây ra một làn sóng rắc rối mới cho các nhà sản xuất khác, bao gồm cả Google.