Chiều ngày 30-6, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game tại Việt Nam đã chính thức ra mắt dưới sự chỉ đạo định hướng và đồng hành của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT).
Đến dự sự kiện có ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ TT&TT, lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và khoảng 200 khách mời, bao gồm các nhà phát hành game, quản lý, các hiệp hội về kinh tế và thương mại điện tử, quỹ đầu tư…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn (đứng giữa, cà vạt đỏ) tham dự Lễ ra mắt Liên minh game vào chiều 30-6. Ảnh: TIỂU MINH |
Hiện tại Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game tại Việt Nam (VGDA) đã thu hút được trên 40 thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực trò chơi điện tử, đơn cử như VNG, GOSU, VTC Game, Vietnam Esports, Funtap…
Việc thành lập liên minh game nhằm giúp các doanh nghiệp bắt kịp xu thế toàn cầu, chung tay góp phần phát triển game Việt, nâng cao năng lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài…
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn chia sẻ một số định hướng hoạt động của Liên minh game trong thời gian tới. Ảnh: TIỂU MINH |
Trong thời gian qua và sắp tới, VGDA sẽ tập trung triển khai rà soát, phát hiện các game có dấu hiệu vi phạm (không phép, vi phạm bản quyền, game cờ bạc…) để đề xuất cơ quan quản lý ngăn chặn.
Bên cạnh đó, liên minh cũng sẽ tổ chức các cuộc thi phát triển game, tham gia ươm mầm tài năng, nâng cao chất lượng ngành game cũng như góp ý chính sách để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cho ngành game.
Cũng tại sự kiện, VGDA đã cùng các bên liên quan bàn luận tìm hướng phát triển game Việt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ blockchain, game NFT tại Việt Nam.
Bàn luận tìm hướng phát triển game Việt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ blockchain, game NFT tại Việt Nam. Ảnh: TIỂU MINH |
Theo thống kê của Data.ai, Việt Nam đứng thứ 2 tại Đông Nam Á về số lượt tải game trong năm 2020, chiếm 22% tổng lượt tải xuống của toàn khu vực, chỉ sau Indonesia với 38%.
Bên cạnh đó, độ chịu chi của game thủ Việt cũng biến nước ta trở thành quốc gia chịu chi nhiều thứ hai (50%) trong khu vực, sau Philippines (55%).