AUDIO BÀI VIẾT
Lúc đó, Kunal Sharma đang ngồi trong phòng khách cùng gia đình thì đột nhiên anh cảm thấy điện thoại nóng lên. Vì mắc chứng rối loạn cơ (hạn chế cử động tay) nên chàng trai 23 tuổi đã gọi chú mình đến kiểm tra. Tuy nhiên, chỉ vài giây sau, thiết bị đã phát nổ và tóe ra vài tia lửa.
“Chú của tôi đã đá nó xuống sàn, lúc đó tôi không thể thở được, khói ở khắp nơi. Mũi, môi và cổ tay của tôi bị bỏng” - nạn nhân chia sẻ với tờ CityNews.
Đây không phải là lần đầu tiên điện thoại Samsung gặp sự cố và phát nổ. Vào năm 2016, công ty đã phải thu hồi toàn bộ các mẫu Galaxy Note 7 vì lỗi liên quan đến viên pin. Bộ Y tế Canada cho biết từ thời điểm thu hồi Note 7 đến ngày 7-8-2019, họ đã nhận được 224 báo cáo liên quan đến điện thoại Samsung. 73 trong số các sự cố được báo cáo liên quan đến chấn thương - 88% là bỏng.
Bộ Y tế Canada cho biết phần lớn các trường hợp bỏng được báo cáo đều không quá nghiêm trọng. Số vụ tai nạn liên quan đến bỏng cao nhất là vào năm 2017 với 30 trường hợp được báo cáo.
Sharma cho biết Galaxy S5 là món quà Giáng sinh mà cha mẹ đã tặng vào năm năm trước, giúp anh giải trí mỗi ngày. Tuy nhiên, bây giờ nó lại là một nỗi ám ảnh. Anh cho biết bây giờ rất sợ chạm vào các thiết bị điện tử, đồng thời thường xuyên gặp ác mộng vào ban đêm nên không thể ngủ được.
Trả lời CityNews, Samsung cho biết rất coi trọng sự an toàn của khách hàng. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ thực hiện từng bước điều tra, tuy nhiên đến nay nạn nhân vẫn từ chối cung cấp thiết bị và bộ sạc để chúng tôi kiểm tra, do đó thật khó để suy đoán được nguyên nhân xảy ra vụ việc.
Gia đình Sharma đã thuê luật sư để làm việc với Samsung, đó là lý do tại sao họ ngần ngại đưa ra bằng chứng duy nhất của họ. Luật sư cho biết điện thoại được mua mới hoàn toàn, pin chưa thay thế và vẫn sử dụng sạc theo máy.