Anh Huy (Ba Đình, Hà Nội) chưa kịp mừng vì tuần trước được vợ tặng chiếc smartphone đời mới thì mấy ngày đây tình cảm gia đình lạnh nhạt cũng chính bởi chiếc điện thoại này. Theo anh, lấy lý do mua làm quà sinh nhật nhưng chiếc điện thoại mới lại trở thành công cụ để vợ theo dõi "nhất cử nhất động" của anh. Nguyên nhân là thiết bị đã được vợ anh nhờ người cài thêm phần mềm theo dõi.
|
Một phần mềm theo dõi trên smartphone được quảng cáo với nhiều chức năng. |
"Tôi nghi ngờ bởi tiền điện thoại hết nhanh một cách bất thường, nhờ bạn làm bên IT kiểm tra thì mới biết máy mình cài sẵn ứng dụng lạ, mà đây là điện thoại mới, thương hiệu có tiếng và mua ở cửa hàng uy tín", anh Huy cho biết. "Được bạn cho biết phần mềm lạ có chức năng định vị, có thể ghi mọi thông tin trên smartphone rồi chuyển đến người khác, tôi giật mình. Suy xét các khả năng, ngẫm ra thì người đã làm việc này chỉ có thể là vợ mình và sau vài lần gặng hỏi cô ấy mới chịu thừa nhận".
Theo anh Huy, vợ anh xem trên Internet thấy quảng cáo có dịch vụ cài phần mềm giám sát chồng thông qua smartphone nên đã mua với giá 2 triệu đồng. "Mọi việc trong gia đình đều bình thường nhưng có lẽ tôi có chút thành công, vợ lại chỉ ở nhà nội trợ nên hay suy nghĩ lung tung. Giận bà xã tốn tiền vì những thứ đâu đâu một phần, cái làm gia đình lục đục là hai người to tiếng và cảm giác mất niềm tin vào nhau", anh thở dài.
Làm trưởng phòng kỹ thuật tại chuỗi cửa hàng di động trên phố Thái Hà (Hà Nội) được hơn 5 năm, anh Tạ Thúc Định không nhớ bao lần được khách hàng nhờ cài ứng dụng định vị, ghi âm nhằm theo dõi vợ chồng. "Các yêu cầu đều không được đáp ứng, dù thực tế việc này hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng tôi. Hiện có hàng chục ứng dụng 'gián điệp', cả loại trả phí và miễn phí, cho phép nghe lén, xem nội dung tin nhắn hay xác định vị trí của người dùng smartphone".
Anh Định chia sẻ, nhiều khách hàng hứa hẹn trả nhiều tiền để giúp cài phần mềm giám sát vì "ngại không muốn tìm đến các dịch vụ trên mạng". Họ cũng hứa tự chịu trách nhiệm và nói rằng chỉ dùng để kiểm tra vợ - chồng có ngoại tình hay không, đang đi đâu, ở đâu. "Tôi một mực từ chối vì nó nằm ngoài phạm vi công việc của mình. Ngoài ra, sử dụng vào mục đích gì mình cũng không rõ, lợi không thấy đâu có khi lại khiến gia đình người ta tan nát", anh Định tâm sự.
|
Nhiều phần mềm nghe lén, giám sát vị trí được đang tải trên mạng. |
Thực tế, không quá khó để cài phần mềm "gián điệp" cho các thiết bị di động, đặc biệt là với các máy dùng hệ điều hành Android. "Những ứng dụng này được đăng tải công khai trên mạng, không ít trong số đó miễn phí. Mục đích ban đầu của nó có thể là 'vô hại' nhưng cách dùng có thể làm thay đổi tính chất sự việc", anh Định chia sẻ. "Chẳng hạn phần mềm ghi âm cuộc gọi, là nhu cầu với nhiều người, nhưng nó có tính năng đồng bộ các file ghi âm lên dịch vụ điện toán đám mây. Như vậy, người cài có thể xem được thông tin này từ xa một cách dễ dàng. Hay như phần mềm giám sát con cái, có thể chạy ẩn, lại được dùng để chính cha mẹ giám sát nhau. Đó là chưa kể đến các ứng dụng thiết kế chuyên dùng đánh cắp thông tin".
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia bảo mật Tập đoàn FPT, cho biết không chỉ smartphone mới bị nghe lén, theo dõi, mà ngay cả điện thoại "cục gạch" cũng không tránh được. "Tất cả các điện thoại có tính năng cài thêm phần mềm đều có nguy cơ bị cài các ứng dụng không mong muốn, phần mềm theo dõi. Trong đó, smartphone chạy Android hay iOS là dễ cài nhất . Với iPhone thì không nhất thiết phải jailbreak (bẻ khóa), bởi vẫn có những ứng dụng "gián điệp" vượt qua được cơ chế kiểm duyệt của Apple".
Theo ông Đức, việc điện thoại bị nghe lén, giám sát là xu hướng chung khi mà điện thoại thông minh ngày càng phổ biến. Smartphone thậm chí còn quan trọng hơn máy tính vì nó chứa đựng rất nhiều hàm lượng thông tin cá nhân. Khi mà thói quen sử dụng điện thoại của người dùng Việt Nam còn dễ dãi, chúng ta chưa tìm hiểu kỹ về các dịch vụ, phần mềm mà cài đặt thì nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu sẽ tiếp tục tăng cao.
Theo Bảo Anh (VNE)